Đầu tư vào ứng dụng gọi xe, các nhà đầu tư tham vọng về… siêu ứng dụng

Mặc dù thị trường vẫn còn đang phát sốt với những công bố thu hút vốn đầu tư vào các ứng dụng gọi xe, nhưng đích đến của các nhà đầu tư lớn lại tỏ ra đầy tham vọng với cuộc chạy đưa ngày càng phá vỡ các giới hạn rót vốn vào mô hình của… siêu ứng dụng.

Cộng sinh hiệu quả

Khi nền kinh tế bắt đầu có những ảnh hưởng ngày càng mạnh của xu hướng chia sẻ, thì cuộc chơi bắt đầu cam go hơn. Việc nhà cung cấp nền tảng số nào sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn, để nối dài dòng vốn, an tâm đầu tư vào nghiên cứu phát triển “core business” – nền tảng thế mạnh cũng là câu chuyện kinh doanh đáng quan tâm.

Grab đã hợp tác chiến lược với Microsoft để khai thác ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây.

Grab đã hợp tác chiến lược với Microsoft để khai thác ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây.

Tại thị trường khu vực, mảng đặt xe qua ứng dụng chia sẻ với những thương hiệu như Uber, Grab, Didi Chungxing, Go-Jek… vẫn ngấm ngầm có những cuộc thanh trừng và xâm chiếm thị phần khá gay gắt. Sau khi Didi Chungxing mua lại Uber tại Trung Quốc, thương hiệu này cũng vươn dài cánh tay ra đầu tư vào chính những thương hiệu cùng loại, có độ phủ sóng tại các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, thay vì phải đi thực hiện cuộc chinh phạt riêng của mình.

Hồi tháng 7/2017, với vai trò là nhà đầu tư chiến lược, Didi Chuxing đã cùng SoftBank quyết định tham gia vào Grab. Với sự kiện đầu tư này, người ta không còn hoài nghi mà bắt đầu tin rằng, kinh tế chia sẻ không sinh ra để triệt tiêu ai mà còn mở ra những cơ hội hợp tác đa chiều, có giá trị cộng sinh hiệu quả cho tất cả các bên. Didi Chuxing (DiDi) - nền tảng ứng dụng gọi xe hàng đầu thế giới bắt tay cùng Grab, ứng dụng đặt xe công nghệ và thanh toán di động hàng đầu Đông Nam Á thực sự là điều mà chỉ có thể xảy ra trong thời “Kinh tế chia sẻ”.

Grab là một nền tảng công nghệ có chiến lược mở với mô hình một siêu ứng dụng.

Điểm lại một diễn biến khác, vào tháng 2/2018, Go-Jek của Indonesia đã quyên góp cao hơn 1,5 tỷ USD trong một vòng gây quỹ từ hàng tá nhà đầu tư, bao gồm cả BlackRock và Google với mục đích là mở rộng thị trường tại thị trường sang khu vực Đông Nam Á. Sau khi có thêm nguồn lực, vào 24/5/2018, Go-Jek công bố sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD (672 triệu đô la Singapore) để mở rộng sang 4 thị trường mới trong 4 tháng tới đó là: Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Để “né” sự cạnh tranh trực tiếp với Grab tại các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam…, Go-Jek quyết định dùng chiêu “ốc mượn hồn”, chấp nhận thay đổi nhận diện thương hiệu quen thuộc khi đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp đã có sẵn giấy phép địa phương. Tại Thái Lan, Go-Jek hoạt động với tên gọi mới là GET. Go-Jek cũng đầu tư vào thương hiệu Go-Việt, tự thay áo xanh quen thuộc thành màu áo đỏ để chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.

Kinh tế chia sẻ, thu hút đầu tư cho siêu ứng dụng

Kinh tế chia sẻ cũng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, sản sinh ra các quan hệ thị trường mới, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các nền tảng kết nối, không còn bó hẹp mình ở bất cứ lĩnh vực nào. Lợi nhuận đầu tư cũng được sẵn sàng chia sẻ để nhắm đến những “cú bắt tay” của các ông lớn và các siêu ứng dụng.

Theo số liệu của Grant Thornton, năm 2016, Airbnb (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ cho thuê tại Việt Nam, nhưng năm 2017, nguồn cung của Airbnb đã tăng gấp 2,5 lần với hơn 16.000 căn hộ, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Mô hình này cũng kéo theo hàng loạt startup trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Mystay, Homeaway, Holteljob...

Một điển hình cho sức mạnh của nền tảng sẽ thu hút hiệu quả các nhà đầu tư trong nền kinh tế chia sẻ chính là Grab. Ngày 09 tháng 05 năm 2018, Grab chính thức công bố tầm nhìn thành phố thông minh nhằm hướng đến một tương lai bao gồm di chuyển liền mạch, giao nhận thức ăn, logistics, thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ tài chính cho người dân Đông Nam Á - tất cả thông qua một ứng dụng.

Ngay sau đó không lâu, trung tuần tháng 6/2018, Toyota Motor Corporation (Toyota), quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Grab với thỏa thuận, Grab và Toyota sẽ củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hiện tại của hai bên trên lĩnh vực xe kết nối công nghệ (connected cars) để thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động khắp Đông Nam Á, đưa Grab tiến gần hơn đến tầm nhìn trở thành nền tảng di động một điểm đến (one-stop) tại Đông Nam Á.

Không chịu dừng ở đó, một tuyên bố khác lại được Grab đưa ra vào ngày 10/7/2018, khẳng định Grab là một nền tảng công nghệ có chiến lược mở với mô hình một siêu ứng dụng, bổ sung thêm nhiều dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất, cho cuộc sống hằng ngày đầu tiên tại Đông Nam Á. Các đối tác cũng có thể mở rộng hoạt động của mình khắp Đông Nam Á một cách hiệu quả nhờ tận dụng cơ sở người dùng và kênh phân phối rộng khắp của Grab thông qua GrabPlatform - một loạt giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các đối tác truy cập vào các tính năng công nghệ của Grab như logistics và thanh toán.

Ngay sau tuyên bố của Grab về một siêu ứng dụng, đầu tháng 8/2018, cùng với Toyota Motor Corporation (Toyota), các công ty tài chính hàng đầu thế giới, bao gồm OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capital và các nhà đầu tư khác đã tham gia vào vòng gọi vốn mới của Grab với số tiền đầu tư lên đến 2 tỷ đô la, củng cố thêm mục tiêu của Grab trong việc trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Khoản đầu tư từ các công ty tài chính hàng đầu thế giới khẳng định niềm tin của họ vào cơ hội phát triển dài hạn và vào năng lực độc đáo của “siêu ứng dụng” trong việc mở ra tiềm năng tăng trưởng của khu vực thông qua nền tảng O2O và kết nối di chuyển.

Không quên giá trị cốt lõi, Grab ngay lập tức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sử dụng đám mây điện toán với Microsoft để thúc đẩy đổi mới và sử dụng các dịch vụ số tại khu vực Đông Nam Á. Hai bên công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược trong việc chuyển đổi các dịch vụ số và di động trong khu vực bằng cách tận dụng năng lực chuyên môn đẳng cấp thế giới của Microsoft về máy học và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác. Hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu một số dự án công nghệ sáng tạo sâu, giúp thúc đẩy và cải thiện trải nghiệm sử dụng cho khách hàng, đối tác tài xế, đối tác kinh doanh và đại lý của siêu ứng dụng Grab.

Không chịu đứng ngoài, Booking Holdings (NASDAQ: BKNG), doanh nghiệp hàng đầu thế giới về du lịch và đặt phòng trực tuyến, cũng chính thức công bố triển khai hợp tác chiến lược với siêu ứng dụng này nhằm cung cấp các dịch vụ đặt xe theo yêu cầu theo yêu cầu ngay trên ứng dụng Booking, được cung cấp bởi Grab; và khách hàng của Grab có thể đặt phòng khách sạn trên toàn thế giới thông qua Booking.com và agoda. 200 triệu USD cũng là số tiến được Booking Holding đầu tư vào nền tảng di động O2O hàng đầu Đông Nam Á này.

Mới đây nhất, Hyundai Motor Company (Hyundai) và Kia Motors Corporation (Kia) cũng thỏa thuận này sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD vào Grab và thiết lập quan hệ hợp tác để thử nghiệm các chương trình phát triển xe điện (electric vehicle - EV) khắp Đông Nam Á. Thông qua quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xe điện, Grab và các công ty thành viên Hyundai Motor Group sẽ tập hợp các đối tác liên quan trong ngành công nghiệp xe điện để cùng hợp tác nhằm khuyến khích việc sử dụng và nâng cao nhận thức về xe điện tại Đông Nam Á.

Kỷ nguyên số với những giá trị thực sự của nền kinh tế chia sẻ đã chính thức trở thành sức hút khó có thể bỏ qua!

Song Hà

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-vao-ung-dung-goi-xe-cac-nha-dau-tu-tham-vong-ve-sieu-ung-dung-d91242.html