Đầu tư xi măng vẫn còn sức hút

Dự án xi măng công suất 10 triệu tấn của Tập đoàn Xuân Thiện là dự án mới nhất, cũng là 'khủng' nhất được tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư. Cùng với đó, một dự án 2,3 triệu tấn/năm đang được đầu tư tại địa phương này.

Ngành xi măng đang dư cung nhưng vẫn có nhiều dự án mới được cấp phép Ảnh: Lê Toàn

Ngành xi măng đang dư cung nhưng vẫn có nhiều dự án mới được cấp phép Ảnh: Lê Toàn

Hòa bình tấp nập đón dự án mới

Cung cầu xi măng ở trạng thái dư thừa nhiều năm nay, phải tăng xuất khẩu, dù giá xuất khẩu không tốt bằng giá bán trong nước. Cạnh tranh tiêu thụ khốc liệt, đã có những dự án không trụ nổi phải bán lại, nhưng những yếu tố này vẫn không làm giảm đi sức hút đầu tư vào ngành xi măng.

Sức hút này thấy rõ hơn khi vẫn có các dự án xi măng công suất cực lớn chờ được chấp thuận đầu tư tại một số địa phương.

Sau nhiều năm theo đuổi, mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đã được UBND tỉnh Hòa Bình trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Thiện tại xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Đây là dự án xi măng có quy mô công suất “khủng” nhất được chấp thuận chủ trương đầu tư tại địa phương này.

Theo đó, Xi măng Xuân Thiện quy mô công suất lên tới 10 triệu tấn/năm, tổng vốn xấp xỉ 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD), là dự án có vốn lớn nhất trong tổng số 16 dự án vừa được tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Xuân Thiện không phải là tên tuổi mới trong ngành xi măng. Tập đoàn này đang sở hữu một loạt nhà máy công suất lớn, như dây chuyền 1, 2, Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam (5,5 triệu tấn). Ngoài ra, dây chuyền 3 tại Hà Nam, công suất 4,5 triệu tấn/năm chuẩn bị đưa vào vận hành.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp ngành xi măng, hiện giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như than, giá cước vận tải tăng mạnh, trong khi tiêu thụ chậm lại, tồn kho lớn khiến các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá, hệ quả là lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm đáng kể.

Đây không phải là dự án xi măng duy nhất đầu tư tại Hòa Bình. Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Sơn do Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm đặt tại Hòa Bình làm chủ đầu tư, công suất 2,3 triệu tấn/năm cũng đang rốt ráo triển khai, với mục tiêu vận hành vào năm 2024. Dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công.

Được biết, với Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Sơn, trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi địa phương về việc hướng dẫn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, an toàn, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về đề xuất tổng mức đầu tư 1 dây chuyền xi măng với công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm và hệ thống tận dụng khí thải lò nung để phát điện trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Dư cung đang là vấn đề lớn nhất

Các doanh nghiệp trong ngành lo lắng khi dự án xi măng liên tục được cấp phép, sản xuất nhiều, nhưng tiêu thụ hạn chế. Thực tế này không phải mới, mà đã diễn ra nhiều năm nay. Thị trường nội địa khoảng 4-5 năm gần đây chỉ hấp thụ được 60-65 triệu tấn, trong khi nguồn cung hầu như năm nào cũng được bổ sung bởi các dự án đầu tư mới, thành thử, dư thừa ngày càng lớn.

Năm 2022, ngành xi măng đã có 1 năm “bão táp” khi tổng công suất khoảng 108 triệu tấn, nhưng tiêu thụ nội địa chỉ đạt 63 triệu tấn, xuất khẩu chỉ đạt gần 31 triệu tấn (giảm 15 triệu tấn) so với năm 2021, thành thử nhiều nhà máy có lượng tồn kho lớn, bên cạnh một số dây chuyền đã dừng chạy lò.

Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu với gần 46 triệu tấn, năm 2022, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker, thực thi chính sách Zero-covid, nên hạn chế các hoạt động giao thương. Thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá áp với xi măng từ Việt Nam.

Giám đốc một doanh nghiệp xi măng lớn tại miền Bắc cho biết: “Trước đây, khi còn quy hoạch ngành, cấp phép đầu tư xi măng khó khăn hơn nhiều, dự án muốn triển khai được phải có tên trong quy hoạch, nhưng từ năm 2019 đến nay, không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, thành thử dù cung cầu mất cân đối, nhưng vẫn có không ít dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Lo ngại dư cung còn gia tăng trong những năm tới là có thật. Với 3 khối sản xuất, kinh doanh xi măng gồm FDI, liên doanh; khối doanh nghiệp nhà nước; khối tư nhân, ngành xi măng đang phải tìm mọi cách đẩy mạnh tiêu thụ.

Tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành xi măng vẫn tiếp diễn trong giai đoạn 2023-2025. Dù vậy, tình hình xuất khẩu trong năm 2023 dự báo không mấy khả quan.

Theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Xuất khẩu clinker giảm sẽ càng làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, công suất sản lượng của ngành xi măng đã tăng từ 4,4 triệu tấn những năm đầu đổi mới, lên 108 triệu tấn năm 2022. Ngành xi măng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu. Sản lượng xi măng và clinker xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiêu thụ toàn ngành với 42% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 21% của năm 2016.

Trong trường hợp xuất khẩu tốt thì khối các doanh nghiệp FDI đang hoạt động cũng có nhiều lợi thế hơn. Chẳng hạn, Insee hay SCG của Thái Lan đều khai thác kênh xuất khẩu tốt hơn, giá cao hơn doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp như Vissai, Long Sơn, Tân Thắng… thừa nhận, trong tình hình kinh doanh hiện tại, bán hàng trong nước cũng khó mà xuất khẩu cũng không dễ.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-xi-mang-van-con-suc-hut-d184897.html