Đầu vào công chức

Dự thảo Đề án kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Bộ Nội vụ thu hút sự chú ý của xã hội. Cần sát hạch để tránh tình trạng biên chế suốt đời nhưng nếu có quá nhiều kỳ thi thì cũng không ổn, giống như một thứ 'giấy phép con', gây khó cho cán bộ mà chất lượng cán bộ vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nâng cao chất lượng công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nâng cao chất lượng công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nói như ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ thì kiểm định chất lượng cán bộ là rất hay, nhưng phải tránh cho được “giấy phép con”. Muốn vậy, phải có cơ quan độc lập, hội đồng với những chuyên gia đánh giá một cách khách quan, minh bạch.

Bộ Nội vụ đang dự thảo Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, theo đó, dự kiến tổ chức kỳ kiểm định đầu vào tập trung với những người muốn vào công chức. Cần sát hạch công chức để tránh tình trạng biên chế suốt đời, tuy nhiên, cũng cần thận trọng để tránh tình trạng quá nhiều kỳ thi gây khó cho cán bộ mà chất lượng cán bộ vẫn giẫm chân tại chỗ.

Thi tuyển chưa đánh giá được kỹ năng mềm của công chức

Cho rằng thi tuyển công chức hiện nay “chưa đủ để đánh giá năng lực, kỹ năng mềm của người dự tuyển”, Bộ Nội vụ đang dự thảo đề án yêu cầu người muốn vào công chức phải được cấp giấy chứng nhận.

Theo “Đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức” đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến, Bộ này dự kiến tổ chức kỳ kiểm định đầu vào tập trung với những người muốn vào công chức. Kỳ kiểm định sẽ được tổ chức 1 năm 2 lần tại 4 địa điểm trên toàn quốc. Người vượt qua kỳ kiểm định sẽ được cấp giấy chứng nhận có hiệu lực trong vòng 12 tháng để làm các thủ tục xét tuyển vào công chức.

Nguyên nhân ra đời đề án này được Bộ Nội vụ cho biết do nội dung thi tuyển công chức hiện nay chưa đủ để đánh giá năng lực, kỹ năng mềm của người dự tuyển. “Vị trí công chức không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần có năng lực, kỹ năng hoạt động công vụ”, đề án thuyết minh, đồng thời cho rằng “quá trình tuyển dụng chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên”.

Theo đề án, mô hình tuyển dụng công chức theo hướng phân cấp cũng bộc lộ những hạn chế về cách làm, về việc bảo vệ tính khách quan, công khai, minh bạch trong hoạt động tuyển dụng, chi phí tuyển dụng, dẫn đến chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Hiện trạng này đòi hỏi cần có những bước chuyển quan trọng trong tuyển dụng công chức ở nước ta” - Đề án nêu rõ.

Thi tuyển công chức đang được áp dụng rộng rãi. (Ảnh minh họa).

2 phương án kiểm định

Do vậy, Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án kiểm định chất lượng đầu vào: Phương án 1 là đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ; bao quát những lĩnh vực về chủ trương, đường lối của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của nhà nước về ngành, lĩnh vực; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức văn hóa, lịch sử; kỹ năng giao tiếp, đạo đức công vụ… bảo đảm đánh giá được năng lực nhận thức và năng lực tư duy, ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh. Các nội dung về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học sẽ được tổ hợp chung trong 1 bài thi kiểm định với thời lượng ít nhất 180 phút.

“Kiểm định không chỉ là việc đánh giá kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học của thí sinh như các nội dung tuyển dụng công chức trong thời gian vừa qua, mà phải đánh giá tổng hợp, toàn diện năng lực của thí sinh dự tuyển (đánh giá được sự hiểu biết nền tảng, cần thiết cho vị trí công chức; hiểu biết chức trách, nhiệm vụ, khả năng, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm sẵn sàng đảm đương vị trí công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm)” - Đề án cho biết. Theo phương án này, ngân hàng câu hỏi được xây dựng bởi các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý từ cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu hàng đầu của cả nước, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan sử dụng công chức để đảm bảo chất lượng ngân hàng đề thi.

Phương án 2 là thi theo Nghị định 161 hiện nay, nhưng có đổi mới theo hướng tăng thời lượng, tăng số câu hỏi, nhằm tạo cơ sở đánh giá toàn diện hơn năng lực thí sinh. Số lượng câu hỏi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học dự kiến là 100 câu mỗi môn. Nội dung câu hỏi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) thay vì đánh giá kiến thức đơn thuần được trang bị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Bộ Nội vụ, với các phương án này, thí sinh dự tuyển sẽ phải tham dự một kỳ kiểm định đầu vào chất lượng công chức, sau đó, nếu trả lời đúng 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì sẽ được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận này là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình tuyển dụng. Giấy chứng nhận có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng 1, có giá trị trong cả nước và cho tất cả các vị trí tuyển dụng.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào sẽ được thực hiện trên máy tính. Địa điểm kiểm định chất lượng tập trung sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP HCM, Thừa Thiên - Huế và Buôn Ma Thuột. Trường hợp các thí sinh không có điều kiện kiểm định tại 4 địa điểm trên thì đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để thực hiện kiểm định tại địa phương. Kỳ kiểm định chất lượng đầu vào tập trung sẽ được thực hiện ít nhất 2 lần/năm. Các thí sinh không đạt yêu cầu có thể đăng ký thi lại sau 6 tháng kể từ khi kiểm định không đạt ở lần trước.

Về lộ trình, Bộ Nội vụ dự kiến thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan T.Ư từ 2021 - 2022 và thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong cả nước từ năm 2023.

Lo ngại thêm một loại “giấy phép con”

Lý giải tại sao phải kiểm định chất lượng công chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, ở nước ta trong những năm qua, hoạt động tuyển dụng công chức đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên vẫn còn những bất cập và cần phải thống nhất trong hoạt động tuyển chọn cán bộ để bảo đảm chất lượng đầu vào cán bộ, công chức. Nội dung thi tuyển công chức mặc dù đã tương đối toàn diện nhưng chưa kiểm tra được kỹ năng mềm của người dự tuyển. Hơn nữa, quá trình tuyển dụng chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên cho vị trí công chức cần tuyển… Việc đánh giá này sẽ thực chất, khách quan, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Trả lời câu hỏi có nên tổ chức thêm các kỳ thi khác để đánh giá cán bộ hay không? Nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường cho rằng: Không chỉ với công chức mới tuyển dụng mà hiện nay chúng ta có các nghị định để đánh giá cán bộ, nhưng đó vẫn chỉ là đánh giá bên trong nội bộ của cơ quan là chính. Việc đánh giá công chức tốt hay không tốt, chẳng ai định hình được. Cũng giống như giáo viên, tại sao phải dự giờ chỉ vì muốn biết năng lực của người thầy đó đến đâu.

Thế nhưng đừng nghĩ đây giống như một kỳ thi với những câu hỏi, cách thức quá khó, gây khó cho cán bộ công chức. Việc kiểm tra các kỹ năng này phải giống như việc sát hạch, kiểm tra trình độ chuyên môn của cán bộ, để bắt họ luôn cố gắng, học hỏi, vươn lên, để chính bản thân họ biết họ đang ở đâu để phấn đấu. Đồng thời tránh chuyện “công chức suốt đời”, vượt qua kỳ thi công chức thành người nhà nước là yên tâm đến lúc về hưu.

Mục đích của Đề án là rất tốt, nhưng quan trọng thực hiện có chuẩn không? Muốn vậy phải tổ chức thật bài bản, minh bạch, khách quan, đánh giá đúng năng lực của công chức để trong trường hợp họ không vượt qua kỳ sát hạch lần đầu họ sẽ cố gắng trau dồi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tốt hơn. Qua đó từng bước một để nâng cao chất lượng đội ngũ. Còn trong trường hợp sát hạch mấy lần không đạt, yếu quá thì phải có giải pháp loại ra khỏi đội ngũ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Phải có hội đồng, cơ quan độc lập để đánh giá

Kiểm định chất lượng cán bộ là một kênh để đánh giá cán bộ. Thực tế, chúng ta đã có những Thông tư, Nghị định để đánh giá cán bộ hàng năm nhưng đánh giá này vẫn chưa thực chất, vẫn nể nang, duy tình, thế nên mới có chuyện dư luận vẫn cứ xôn xao có tới 60% cán bộ công chức “cắp ô” nhưng báo cáo từ các bộ ngành, địa phương gửi về thì vẫn 97, 98% cán bộ hoàn thành, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ. Đánh giá cán bộ để tìm ra ai là người không hoàn thành nhiệm vụ, là cơ sở để tinh giản biên chế nhưng vẫn cứ nể nang như vậy thì ai là công chức “cắp ô”. Thế nên mới cần những cơ quan độc lập ở bên ngoài đánh giá cán bộ để thêm một kênh đánh giá.

Mục đích kiểm định chất lượng cán bộ là rất hay, nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện. Muốn kiểm định phải có phương pháp để kiểm định như vừa rồi chúng ta có các đánh giá về nền hành chính của chúng ta từ một số cơ quan độc lập đánh giá như PAPI, PCI, SIPAS…Có như vậy các bộ, ngành địa phương mới biết họ đang ở đâu, cần cải thiện điều gì.

Phải tránh cho được “giấy phép con” trong sát hạch cán bộ. Muốn vậy, phải có cơ quan độc lập, hội đồng với những chuyên gia đánh giá một cách khách quan, minh bạch. Trong trường hợp công chức không đạt, bao nhiêu lần không đạt phải chuyển việc hoặc thậm chí cho thôi việc.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/dau-vao-cong-chuc-tintuc467955