Dấu vết mới nhất về kiệt tác hội họa được định giá hàng triệu bảng Anh bị mất trộm năm 1969

Ngày 12-10-2018, Tòa thánh Vatican tuyên bố đã tìm thấy dấu vết mới dẫn đến bức tranh 'Giáng sinh với Thánh Francis và Thánh Lawrence' (gọi tắt là bức Giáng sinh) bị mất trộm vào năm 1969. Sau gần nửa thế kỷ, cuộc tìm kiếm kiệt tác của thời kỳ Phục hưng này hứa hẹn đem lại kết quả khả quan.

Mannoia (ở giữa) tự nhận tham gia vụ trộm bức tranh

Mannoia (ở giữa) tự nhận tham gia vụ trộm bức tranh

Được định giá hàng triệu bảng Anh

Theo Đại tá Roberto Conforti, từng đứng đầu bộ phận bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật thuộc lực lượng Cảnh sát Carabinieri của Italia đến năm 2002, bức tranh Giáng sinh biến mất vào đêm 18-10-1969, một đêm mưa to gió lớn. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đặt nó vào vị trí thứ 2 sau vụ cướp phá các cổ vật ở Iraq sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein, còn Tòa thánh Vatican coi nó là biểu tượng của cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Tuy chưa bao giờ được bán chính thức, nhưng vào năm 1972, bức tranh được định giá hàng triệu bảng Anh.

Họa sĩ người Italia Michelangelo Merisi da Caravaggio vẽ bức tranh Giáng sinh vào năm 1609, khi ông ẩn náu tại Sicily vì phạm tội giết người. Bức tranh cuối cùng này của ông được treo trên bàn thờ trong nhà nguyện San Lorenzo ở Palermo, Italia suốt 360 năm. Ở đây không có linh mục, cửa nhà nguyện chỉ được mở khi khách đến thăm. Theo cụ Maria Gelfo, người trông nom nhà nguyện, bọn trộm đã mở cửa chớp, trèo vào nhà nguyện qua cửa sổ không có chấn song, sau đó dùng dao cắt bức tranh ra khỏi khung rồi mở khóa cửa ra vào từ bên trong và biến mất.

Một thời gian sau, “ông trùm” tội phạm Salvatore Kanchemi tuyên bố rằng hắn đã nhìn thấy bức tranh Giáng sinh tại cuộc gặp của các thủ lĩnh mafia; còn Giovanni Brusca, sát thủ khét tiếng của băng đảng mafia ở Sicily thậm chí còn đề nghị được trả lại bức tranh nếu giảm án cho hắn. Tuy nhiên, nhà chức trách đã từ chối.

Năm 1980, trong vai người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật, nhà báo người Anh Peter Watson đến dự các phiên đấu giá và hỏi mua lại bức tranh Giáng sinh. Ông Manzu người Italia đồng ý bán lại bức tranh với giá 150 triệu lire (tiền của Italia khi đó) và 150.000 USD. Trong lần gặp thứ hai, ông Watson đã được người quen của Manzu cho xem ảnh chụp lại bức tranh này. Ông Watson nhận thấy, bức tranh bị hư hỏng, lớp sơn bắt đầu bong ra, xuất hiện cả vết nứt. Manzu nói rằng bức tranh vẫn còn ở Sicily…

Khôi phục chiến dịch truy tìm bức tranh

Thông tin mới về bức tranh Giáng sinh lại xuất hiện vào năm 1996. Theo Francesco Marino Mannoia, người cung cấp thông tin của cảnh sát, bức tranh đã bị phá hủy. Từng là người điều hành xưởng sản xuất ma túy, hắn đầu hàng chính quyền, sau đó trở thành nhân chứng buộc tội tại phiên tòa xét xử cựu Thủ tướng Italia Giulio Andreotti vì bị tình nghi có liên hệ với mafia.

Mannoia tự nhận là một trong những kẻ lấy trộm bức tranh. Theo hắn, vụ trộm được “ông trùm” tội phạm ở Palermo tổ chức. Vì thiếu kinh nghiệm, chúng làm hỏng và sau đó hủy bỏ bức tranh do người đặt hàng từ chối nhận. Tuy nhiên, các nhân viên bộ phận bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật không tin lời hắn nói.

Còn nhà văn người Anh Peter Robb khẳng định, năm 1999, một nhân viên cảnh sát Carabinieri trẻ đã bí mật nói với ông rằng, Mannoia không nói dối, nhưng bị nhầm lẫn. Khi ấy ở Palermo, còn có một bức tranh nữa cũng bị mất trộm. Chính Mannoia đã lấy cắp và phá hủy bức tranh đó. Ông Giovanni Pastore, cựu nhân viên cảnh sát của Carabinieri nói với Hãng tin BBC vào năm 2013 rằng, bức tranh Giáng sinh vẫn ở Italia…

Tháng 6-2018, bà Rosy Bindi, người đứng đầu Ủy ban chống mafia của Quốc hội Italia tuyên bố khôi phục hoạt động truy tìm bức tranh Giáng sinh. Đầu tháng 10-2018, người đứng đầu bộ phận bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật thuộc Carabinieri, ông Fabrizio Parrulli cho biết, có đủ bằng chứng cho thấy bức tranh không bị phá hủy và được lưu giữ tại một thành phố ở Đông Âu. Các điều tra viên đã đến đó, kết quả của chuyến đi rất khả quan.

AN (Theo Lenta)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/dau-vet-moi-nhat-ve-kiet-tac-hoi-hoa-duoc-dinh-gia-hang-trieu-bang-anh-bi-mat-trom-nam-1969/788478.antd