Đầu xuân 'chat' với những người nông dân tỷ phú Tây Nguyên

Đầu xuân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với những người nông dân tỷ phú trên mảnh đất Tây Nguyên nhiều nắng gió, họ đi lên bằng nỗ lực của bản thân cùng với sự đồng hành tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam.

Năm 2019, ngành nông nghiệp tiếp tục có những bước phát triển đáng khích lệ, đạt được những mục tiêu lớn, đó là: Tiêu chí về xuất khẩu, tỉ lệ che phủ rừng, các xã đạt chuẩn nông thôn mới… Cũng trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.

Phải khẳng định rằng, trong thành quả chung của ngành nông nghiệp, có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân làm việc bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết của mình. Họ đã không ngại khó, ngại khổ, ngại rủi ro… để cùng cả nước vẽ nên những gam màu tươi sáng cho ngành nông nghiệp nói riêng và bức tranh kinh tế đất nước nói chung.

Phát triển liên kết chuỗi trong nông nghiệp – hướng đi đúng hiện nay

Lâm Đồng vẫn là mảnh đất lý tưởng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và không có gì khó hiểu khi ông Cao Xuân Sơn và rất nhiều hộ nông dân khác nơi đây đã lựa chọn trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản.

Đến thăm vườn lan của ông Cao Xuân Sơn – huyện Di Linh – tỉnh Lâm Đồng, cùng trò truyện với ông, chúng tôi đã thêm hiểu về công việc ông đang làm và những trăn trở của người nông dân như ông:

PV: Thưa ông, Di Linh vốn là một trong những nơi nổi tiếng với việc trồng cà phê, tại sao ông lại lựa chọn việc trồng hoa lan để xuất khẩu, thay cho trồng cà phê như trước đây?

Ông Cao Xuân Sơn: Trước đây gia đình trồng cà phê, nhưng do thời gian gần đây, giá của mặt hàng cà phê không được ổn định, có xu hướng giảm, tôi đã lựa chọn việc trồng hoa lan để xuất khẩu. Trồng hoa lan cho thu nhập thường xuyên và cao hơn trồng các loại cây khác. Hơn nữa, khí hậu ở đây rất phù hợp trồng cây hoa, đặc biệt là hoa vũ nữ. Hoa vũ nữ có thu nhập thường xuyên, cứ 10 ngày thì cắt, đáp ứng nhu cầu tài chính gia đình.

Ông Cao Xuân Sơn chăm chút từng giò lan trong vườn

Ông Cao Xuân Sơn chăm chút từng giò lan trong vườn

PV: Thưa ông, Khi chuyển sang nuôi trồng hoa lan, ông có gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm không?

Ông Cao Xuân Sơn: Là một nông dân thuần túy không nắm bắt khoa học kỹ thuật thì tôi và nhiều người nông dân chọn hướng đi liên kết liên doanh với Công ty hoa mặt trời. Công ty hoa mặt trời tiêu thụ hoa, lo đầu ra cho sản phẩm. Công ty có sẵn lượng khách hàng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân để xuất khẩu. Lan vũ nữ chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản. Công ty đồng thời chỉ đạo kỹ thuật cho người dân, giúp người nông dân chăm hoa đạt chất lượng, đồng đều sản phẩm, tạo thương hiệu. Hoa lan nhạy cảm với thời tiết, dễ bị bệnh nên việc nắm vững kỹ thuật là rất quan trọng. Người nông dân không kết hợp với công ty sẽ khó khăn áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu ra.

PV: Thưa ông, Làm nông nghiệp công nghệ cao, ngoài khó khăn về kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm, ông còn gặp khó khăn gì không?

Ông Cao Xuân Sơn: Ngoài vấn đề kỹ thuật, đất đai, đầu ra cho sản phẩm… thì đầu tư trên một đơn vị diện tích đòi hỏi nhiều vốn. Vốn để trang bị máy móc, phương tiện kỹ thuật. Do ngân hàng nông nghiệp có chính sách phù hợp với nhà nông, có nhiều ưu đãi nên chúng tôi chủ yếu giao dịch với ngân hàng nông nghiệp, gắn bó với ngân hàng nông nghiệp là nhiều nhất. Từ năm ngoái chúng tôi đã được hưởng lãi suất 6%/năm, rẻ nhất so với các ngân hàng khác, chúng tôi rất phấn khởi. Khi làm ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hoa vũ nữ này chúng tôi có thu nhập thường xuyên thì chúng tôi không ngại về lãi suất ngân hàng. Chúng tôi thu nhập theo tuần, mà lãi suất ngân hàng đóng theo tháng, nên vấn đề trả lãi ngân hàng chúng tôi không ngại, và chúng tôi giữ được uy tín với ngân hàng.

Ông Cao Xuân Sơn đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động đồng bào

PV: Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bao nhiêu lao động?

Ông Cao Xuân Sơn: Với quy mô diện tích trồng lan hiện nay của gia đình là khoảng gần 1ha, tôi đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động đồng bào, họ được đào tạo thành người lao động chuyên nghiệp, họ làm tốt, chủ yếu là nữ. Lao động nữ tay chân mềm mại, thao tác nhẹ nhàng, công sức bỏ ra không nhiều, chủ yếu là cần khéo léo và tỉ mỉ.

Phải khẳng định rằng ông Cao Xuân Sơn là một trong những người nông dân lựa chọn hướng đi đúng và an toàn hiện nay. Lựa chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng liên kết chuỗi là hướng đi tất yếu. Việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm là điều mà nhiều hộ nông dân nên làm trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình cho vay theo chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp và các hộ nông dân. Đối với doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng đầy đủ số lượng, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường, đối với các hộ nông dân được cung ứng giống, phân bón đảm bảo chất lượng, được chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến sản phẩm và đặc biệt là thị trường đầu ra và giá cả sản phẩm luôn ổn định.

Vườn lan của ông Sơn cho thu hoạch thường xuyên theo tuần

Phát triển chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản Việt

Bên cạnh đó, việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng là một vấn đề cần được đẩy mạnh hiện nay, để nâng cao giá trị nông sản Việt, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Tất Thắng – Đăk Nông là một trong những người đi lên từ hai bàn tay trắng, cho đến nay đã sở hữu một gia tài đồ sộ gồm khu chế biến đậu nành, siêu thị, nhà máy chế biến lạc xuất sang Ma-lai-xi-a. Ông đã trò chuyện với chúng tôi thật cởi mở về quá trình lập nghiệp của mình:

PV: Thưa ông, tại sao ông lại chọn Đăk Nông là nơi lập nghiệp?

Ông Nguyễn Tất Thắng: Tôi không sinh ra ở Đăk Nông nhưng tôi chọn Đăk Nông để khởi nghiệp vì đây là vùng thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và đây cũng là vùng rốn của nông sản. Tôi luôn mong muốn tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để bà con nông dân đỡ vất vả và cũng muốn phát triển sự nghiệp cho bản thân.

Công ty của tôi tập trung chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tôi thu mua nguyên liệu đậu phộng, đậu nành… ở các địa bàn Đăk Nông, Bình Định, Trà Vinh và một số tỉnh khác. Tôi cùng với bà con xây dựng vùng nguyên liệu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Một năm công ty tôi tiêu thụ khoảng hơn 10 nghìn tấn đậu nành cho bà con nông dân.

Ông Thắng và những chiếc máy sơ chế đậu nành công suất lớn

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phương thức liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp?

Ông Nguyễn Tất Thắng: Trong sản xuất nông nghiệp thì liên kết chuỗi là vô cùng quan trọng, tuy nhiên để thực hiện liên kết chuỗi và làm ăn lớn thì không đơn giản. Hiện tại, hơn 80% người dân Đăk Nông phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Người nông dân có kỹ năng nghề, có đất, nếu được các ngân hàng cung cấp đầy đủ vốn thì sớm muộn họ cũng trở thành chủ trang trại, doanh nhân. Chỉ khi đó mới có thể nói tới chuỗi giá trị và liên kết sản xuất, làm ăn lớn.

Để thành công trong sản xuất kinh doanh thì cần ý chí, nghị lực, sự hỗ trợ tốt từ ngân hàng và đặc biệt là phải có khả năng tốt về quản trị tài chính, quản lý dòng tiền. Doanh nghiệp muốn phát triển phải xây dựng chữ tín làm kim chỉ nam. Khi có chữ tín thì bà con nông dân, khách hàng và doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vốn cho mình. Phải có uy tín trong kinh doanh thì mới kinh doanh tốt. Tôi luôn giữ chữ tín với bà con nông dân với ngân hàng và với đối tác.

Những hạt đậu nành sau khi sơ chế được đóng gói gọn gàng, chờ thời điểm xuất kho

PV: Thưa ông, Agribank đã hỗ trợ ông như thế nào trong quá trình lập nghiệp?

Ông Nguyễn Tất Thắng: Tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhờ ý chí nghị lực và sự hỗ trợ của ngân hàng mà tôi có ngày hôm nay. Khi khởi nghiệp, năm 1998 tôi vay 20 triệu của ngân hàng Nông nghiệp thông qua hình thức thế chấp. Sau đó làm ăn có uy tín và thế chấp dần dần tài sản để làm ăn. Năm 2004 tôi vay của ngân hàng Nông nghiệp 500 triệu, đồng thời huy động các nguồn vốn khác. Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây Ngân hàng Nông nghiệp đổi mới rất nhiều so với giai đoạn trước về thủ tục vay vốn, về hạn mức cho vay…

Hơn 20 năm qua tôi hợp tác chặt chẽ với Agribank và hiện nay được cấp gói tín dụng 50 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Tôi luôn giữ chữ tín với Agribank: hơn 20 năm qua chưa một ngày nào tôi để xảy ra nợ quá hạn. Hiện tại Agribank cấp vốn đủ cho tôi để sản xuất.

Agribank đã hỗ trợ tích cực ông Thắng trong quá trình phát triển sản xuất

PV: Xin ông cho biết phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp, ông và các doanh nghiệp thường gặp những khó khăn gì?

Ông Nguyễn Tất Thắng: Những doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thường gặp khó khăn về: vùng nguyên liệu, tập tục trong sản xuất... Những rủi ro như thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.

Chất lượng nông sản cũng là một vấn đề lớn. Bà con nông dân cần xây dựng và sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng và giữ cam kết với doanh nghiệp để doanh nghiệp có sản lượng ổn định tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Một vấn đề rất quan trọng nữa đó là vốn. Doanh nghiệp phải được cung cấp đủ vốn để thu mua và chế biến nông sản, đặc biệt trong mùa thu hoạch. Khi đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp cần được ngân hàng bơm đủ vốn để thu mua chế biến và bảo quản nông sản, đảm bảo chất lượng nông sản. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi trong sản xuất nông nghiệp.

Tôi mong muốn Chính phủ, hệ thống ngân hàng Agribank luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất và đầu tư nông nghiệp có nguồn vốn thông suốt, tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó đối với doanh nghiệp trong quá trình sử dụng vốn thì doanh nghiệp phải biết kiểm soát rủi ro, gia tăng hiệu quả đồng vốn…

Sản xuất nông nghiệp vốn là ngành đặc thù, với những rủi ro không dễ gì kiểm soát: thiên tai, dịch bệnh, được mùa rớt giá… Để nền nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn nữa, đạt được mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới thì cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng. Một mùa xuân mới lại về, chúc cho những người nông dân, những doanh nghiệp tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, bứt phá, góp phần quan trọng vào thành quả chung của nền kinh tế nước nhà.

Thanh Bình

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dau-xuan-chat-voi-nhung-nguoi-nong-dan-ty-phu-tay-nguyen-post32816.html