Đầu Xuân đi lễ hội

Ngoài ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân có công với dân tộc, đất nước, lễ hội còn là dịp để người dân được giao lưu, hướng lòng tới những giá trị chân - thiện - mỹ, cùng xây dựng một xã hội nhân văn.

Đông đảo nhân dân, du khách tham dự Lễ hội đền Đuổm, xã Động Đạt (Phú Lương), Xuân Giáp Thìn 2024.

Đào đã khai hoa, Xuân vội buông gọi đàn én chao nghiêng đồng làng. Sắc Xuân nay như tươi tắn hơn bởi trời bật nắng ấm, ngoài sân đình trống hội thùng thình thúc gọi mọi người về lễ hội.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 133 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa Xuân. Trong đó có một số lễ hội được khai mở sớm, thu hút đông đảo du khách tới vãn cảnh, như: Lễ hội Núi Văn - núi Võ (Đại Từ); Lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội Lồng tồng (Định Hóa); Lễ hội chùa Hang (TP. Thái Nguyên)...

Với các địa phương có lễ hội, từ trước Tết Nguyên đán, bà con đã chuẩn bị vật phẩm để thành tâm dâng lễ, biểu lộ tấm lòng thành kính. Nơi diễn ra các trò chơi tại lễ hội cũng đã sẵn sàng. Rồi ngay sau thời khắc Giao thừa, các khu thờ tự tại đình, đền, chùa vừa lên hương mới, đèn điện tỏa sáng, nhiều người dân địa phương và du khách thập phương đã thành kính cầu mong sự an lành.

Để mùa lễ hội diễn ra văn minh, giàu bản sắc văn hóa, đảm bảo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, các địa phương đã thành lập ban tổ chức lễ hội; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức và hoạt động lễ hội theo văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành liên quan.

Ban tổ chức các lễ hội cũng đã vận động nhân dân cam kết chấp hành quy định về phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán hàng đúng giá niêm yết; không “chặt chém” du khách.

Cho chữ, một nét đẹp tao nhã trong các lễ hội đầu Xuân.

Hòa giữa dòng người trẩy hội, đến Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối, xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình), chúng tôi cảm nhận lòng nhẹ nhàng thanh thản bởi sự an yên. Ngoài giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích lịch sử cách mạng quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Cũng ngay những ngày đầu Xuân mới, lễ hội Núi Văn - núi Võ thuộc địa phận hai xã Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ) được tổ chức. Lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh vị Tể tướng Lưu Nhân Chú, nổi danh về tài hoa và tinh thần dũng cảm trong Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo ở thế kỷ XV. Tham dự Lễ hội, du khách còn được thưởng ngoạn cảnh vật núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, núi Cắm Cờ, núi Đá Mài, đồi Xem, hồ Tắm Ngựa…

Mỗi lễ hội mang một câu chuyện riêng, nhưng cùng mục đích hướng lòng người về nẻo thiện, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước. Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của hoạt động lễ hội, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có văn bản hướng dẫn, đề nghị các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, đúng nghi thức lễ.

Những năm gần đây, hầu hết các lễ hội có thêm không gian trưng bày sinh vật cảnh; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương. Qua đó khơi dậy và phát huy nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời khuyến khích người dân trở về với công việc ngay từ những ngày đầu Xuân mới, với khí thế mới.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202402/dau-xuan-di-le-hoi-2741311/