Đầu xuân đi lễ Phủ Dầy

Phủ Dầy là nơi gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tam phủ của người Việt, là hoạt động văn hóa dân gian độc đáo.

Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Lễ Hội Phủ Dầy được tổ chức hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Cùng thời điểm này, bà Chúa Liễu Hạnh cũng được thờ tại nhiều lễ hội khác trên Việt Nam, nhưng hội Phủ Dầy thuộc vào loại long trọng nhất, với sự tham gia của đông đảo dân chúng.

Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Lễ hội Phủ Dầy còn có tên gọi khác là Lễ hội Phủ Giầy, Lễ hội Thánh Mẫu, Lễ hội Tháng Ba...thuộc loại hình Lễ hội truyền thống.

Lễ hội Phủ Dầy gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, được các thế hệ gìn giữ, tiếp nối, kế thừa và phát triển. Vì vậy, lễ hội Phủ Dầy còn là loại hình tập quán xã hội.

Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm (Ngày mùng 3 tháng 3 là ngày chính kỵ Thánh Mẫu Liễu Hạnh) trong không gian thiêng với 20 di tích đền, phủ, chùa, lăng trong hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong đó trung tâm là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1975.

Chủ thể văn hóa thực hành trong lễ hội Phủ Dầy bao gồm cộng đồng dân cư xã Kim Thái, các tín đồ, con nhang, đệ tử, thanh đồng theo tín ngưỡng thờ Mẫu và đông đảo cộng đồng khách thập phương.

Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội, hàng nghìn du khách thập phương về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn.

Người dân thể hiện tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu tại Phủ Dầy.

Theo bà Trần Kim Huệ, thủ nhang Phủ Dầy chia sẻ, trong những ngày đầu năm mới, Phủ Dầy đón đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái, thể hiện tín ngưỡng tâm linh của mình.

Nhiều người cho rằng Lễ Phủ Dầy diễn ra vào đêm ngày mùng 7, rạng sáng ngày 8 tháng Giêng, âm lịch. Tuy nhiên, quan niệm này là sai, vì nhiều người đi lễ chợ Viềng từ đêm khuya ngày mùng 7 âm lịch, hội chợ Viềng xuân kéo dài suốt đêm đến sáng, nhưng Lễ Phủ Dầy chính thức diễn ra vào sáng ngày mùng 8 âm lịch.

"Vào các dịp lễ, hội diễn ra tại Phủ Dầy thì sáng ngày mùng 8 hàng năm là ngày Phủ đón nhiều du khách nhất, vì lúc này dòng người tham gia Hội chợ Viềng xuân còn ở lại và tời Phủ Dầy thực hiện các nghi thức tâm linh tại đây", Bà Huệ cho hay.

Bà Trần Kim Huệ chia sẻ những thông tin, tư liệu về Phủ Dầy với nhiều thông tin quý giá được lưu lại trong cuốn sách Hội Phủ Dầy sự tích Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa.

Cũng theo Bà Huệ, Lễ hội Phủ Dầy như một "món ăn" tín ngưỡng, tinh thần của người dân mỗi dịp đầu xuân năm mới, đây là Lễ hội có nguồn gốc rất đặc biệt khi thủa xa xưa tương truyền xung quanh phủ là những cánh đồng, người dân từ khắp nơi tập trung về đây hàng năm dần hình thành một nghi thức lễ hội vô cùng độc đáo và có ý nghĩa lưu truyền những giá trị văn hóa đặc sắc, quý giá đã được công nhận.

Đi Hội Phủ Dầy

Bây giờ kể đến tháng giêng

Tiên Hương mở chợ 1 phiên suốt ngày

Chợ Ngài vui vẻ lắm thay

Gần xa đâu đấy, ngày nay đều về

Tỉnh thành, cho đến miền quê

Nô nức đều về chợ Mẫu vui thay

Trước đi lễ Mẫu ngày rày

Sau ra mua bán lấy may lộc Ngài

Dầu rằng đắt rẻ chớ nài

Cốt là mua lấy Lộc Ngài cho May

Đồ Tàu cho đến đồ Tây

A Nam, Nhật Bản chẳng rầy thiếu chi

Chợ Ngài, Thiên Bản nhất kỳ

Mỗi năm chỉ họp mỗi thì một phiên

Chợ Ngài vui vẻ Làng Tiên

Thuế không ngoại ngạch ơn riêng quê nhà

(Trích những câu thơ truyền miệng của bà Trần Kim Huệ-Thủ nhanh Phủ Dầy).

Dũng Đại

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dia-phuong/dau-xuan-di-le-phu-day-d189751.html