Đầu xuân thăm ngôi chùa đặc biệt nhất Sài Gòn

Chùa Nghệ sĩ là ngôi chùa đặc biệt nhất Sài Gòn. Điều đặc biệt không nằm ở kiến trúc hay quy mô của chùa mà từ những con người trong ngôi chùa đó.

Chùa Nhật Quang (Nhật Quang tự), tọa lạc tại số 166/6 đường Thống Nhất, P.11, quận Gò Vấp, TP HCM, còn có tên “chùa Nghệ sĩ” - ngôi chùa đặc biệt nhất Sài Gòn. Đúng như tên gọi, hầu hết các Phật tử trong chùa đều là những người nghệ sĩ, bầu sô cải lương, trong số đó có không ít tên tuổi vang bóng một thời. Tất cả họ nay đều đã ở tuổi xế chiều, đầu hai màu tóc, có những người gầy guộc, bệnh yếu. Họ đều đã chọn nơi đây để an dưỡng tuổi già, sau những năm tháng lang bạt với gánh hát.

Chùa nghệ sĩ, ngôi chùa đặc biệt nhất Sài Gòn.

Chùa nghệ sĩ, ngôi chùa đặc biệt nhất Sài Gòn.

Trong Chùa Nghệ sĩ này có một nghĩa trang rộng lớn, gọi là nghĩa trang nghệ sĩ. Đây cũng là nghĩa trang đặt biệt nhất vì đó là nơi an nghỉ của hàng trăm người nghệ sĩ, đa số là nghệ sĩ tuồng cổ ngày xưa. Nghĩa trang hiện đang quy tập hơn 500 ngôi mộ nghệ sĩ, có những tên tuổi nổi tiếng như: NSND Phùng Há, NSƯT Minh Phụng, Tấn Tài, Như Ngọc, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh, soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng...

Chùa Nghệ sĩ còn có nghĩa trang nghệ sĩ. Nơi an nghỉ của rất nhiều nghệ sĩ lừng danh như: NSND Phùng Há, NSƯT Thanh Nga, Minh Phụng, Út Trà Ôn, Lê Công Tuấn Anh...

Mộ phần NSND Phùng Há, người tạo lập Chùa và nghĩa trang Nghệ sĩ.

Những ai lần đầu đến chùa Nghệ sĩ thì sẽ không thể nào hình dung ra được người trong chùa này là những người nghệ sĩ. Nhất Sinh, Lý Lắc hay Thu Hồng… đã một thời từng là nghệ sĩ, thậm chí có người là nghệ sĩ nổi tiếng nhưng từ khi sa cơ trở về nương tựa ở chùa, khi bệnh nghiệp ập đến đã bào mòn sức khỏe họ, hình ảnh phong độ ngày xưa của họ đã không còn.

Nghệ sĩ Lý Lắc, tên thật là Phan Như Yên, sinh năm 1945, ông cũng là người đảm nhận nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong chùa. Đó chính là chăm sóc mộ phần của NSND Phùng Há - người có công đầu trong việc tạo lập Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ.

Ngoài chăm sóc phần mộ NSND Phùng Há, Lý Lắc cũng là một “hướng dẫn viên” cho khách đến viếng chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Hàng tháng, Lý Lắc được nhà chùa phụ cấp vài trăm nghìn đồng. Số tiền đó cộng với số tiền mà khách tham quan tặng, giúp ông thuốc men và ăn uống lặt vặt hằng ngày.

Mộ phần "hoàng tử sân khấu" Minh Phụng.

Mộ phần danh hài Lê Vũ Cầu.

Trong lúc ngồi trò chuyện với chúng tôi, Lý Lắc hồi tưởng lại quá khứ “vàng son” của mình những năm trước 1975. Ngày xưa, dù không phải là kép chính nhưng Lý Lắc cũng là người khá giả và kiếm được khá nhiều tiền từ các hợp đồng biểu diễn. Ông nói, mỗi hợp đồng của ông trong hai năm có giá 2 triệu đồng, ở thời điểm đó, đó là một số tiền rất lớn.

Nhưng rồi hầu hết tiền bạc kiếm được, phần ông gửi về cho gia đình để phụng dưỡng cha mẹ, phần còn lại ông đốt dần vào những cuộc vui chơi với bạn bè. Ông cũng không nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi ông cho rằng không việc gì phải vướng bận chuyện vợ con. Chính vì thế mà khi tuổi về già, khi phải rời xa sân khấu, Lý Lắc đã rơi vào cảnh túng quẩn, neo đơn!

Nghệ sĩ Nhật Sinh (73 tuổi) cũng là một trường hợp tương tự như nghệ sĩ Lý Lắc. Hằng ngày, Nhật Sinh làm công việc bảo vệ kiêm giữ xe cho khách đến chùa. Ông vào chùa được hơn 10 năm nay. Ban đầu, Nhật Sinh còn xuống tóc đi tu luôn tại chùa, thời gian được khoảng 1 năm. Nhưng rồi sau đó ông đã hoàn tục, ông nói mình chưa đủ duyên tu hành.

Những người nghệ sĩ năm xưa đang trông giữ ngôi chùa.

Nghệ sĩ Nhật Sinh kể, lúc đương thời ông không thiếu thứ gì, tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, xe máy xịn… ông đều có. Cát-sê của ông thời đó cũng thuộc dạng cao, có lúc ông còn làm trưởng đoàn Tây Ninh 2…

Nhưng khi giàu có, Nhật Sinh tiêu tiền không tiếc tay, cũng là những cuộc vui thâu đêm với bạn bè, với người đẹp. Nhưng đến cuối những năm 1990 thì Nhật Sinh sa cơ, rơi vào hoàn cảnh của người vô gia cư khi nghệ thuật cải lương tuồng cổ dần “chết”. Từ một trưởng đoàn hát phong lưu giàu có, Nhật Sinh trở thành người đi bán vé số dạo khắp đường cùng ngỏ hẻm. Sau một thời gian, ông tìm về chùa Nghệ sĩ để nương tựa và làm công quả cho đến bây giờ.

Thật ra, suy nghĩ và lối sống trên không chỉ của riêng nghệ sĩ Lý Lắc, hay Nhật Sinh mà rất nhiều nghệ sĩ thế hệ trước cũng giống như vậy. Họ có “tính nghệ sĩ”, họ hết mình với nghệ thuật và đặc biệt vô tư, phóng khoáng. Chính điều đó dẫn đến việc khi về già, người nghệ sĩ thường rơi vào cảnh cô đơn, cùng quẫn.

Và không ai khác, chính NSND Phùng Há đã nhìn thấy trước được điều đó nên bà đã cùng các nghệ sĩ khác thành lập Hội Ái hữu nghệ sĩ và mua đất để xây chùa, nghĩa trang cho nghệ sĩ như bây giờ.

Bầu Xuân, ông bầu nổi tiếng trong đoàn Dạ Lý Hương năm xưa giờ là người quản tự tại chùa nghệ sĩ.

Có một điều đặc biệt là, chùa Nghệ sĩ hiện không có trụ trì mà chỉ có người quản tự. Người đó chính là bầu Xuân, ông bầu nổi tiếng trong đoàn Dạ Lý Hương năm xưa. Bầu Xuân năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn rất minh mẩn. Hiện tại, ông vẫn là người quán xuyến gần như hầu hết mọi việc lớn nhỏ trong chùa. Từ chuyện cơm áo gạo tiền cho các nghệ sĩ đến quản lý sổ sách, cân đối thu chi cho từng công việc. Trên bàn làm việc của bầu Xuân có hàng chồng giấy tờ, sổ sách các loại và hằng ngày ông vẫn ngồi làm việc không dưới 6 tiếng.

Những ai đã một lần đến chùa, thấy được sự tươm tất nơi đây sẽ cảm nhận được tấm lòng và công sức mà người quản tự này dành cho chùa là lớn thế nào! Chính vì vậy mà năm xưa, trong một lần đến thăm bầu Xuân, nhà thơ Tố Hữu có đề một câu tặng người quản tự rằng: “Nhiều sải không ai đóng cửa chùa/Một ông thủ tự tốt là vừa!”.

Những bức tranh đầy ý nghĩa treo trong chùa.

Chúng tôi để ý thấy trên bức tranh vẽ một tu sĩ trong phòng khách của chùa Nghệ sĩ có đề: “Hôm qua là sân khấu/Hôm nay là cửa thiền”. Hai câu này cũng chính là cuộc đời của những người nghệ sĩ như Lý Lắc, Nhật Sinh, hay vũ công Thu Hồng… Ngày trước, họ là những nghệ sĩ trẻ đầy đam mê, họ cùng các đoàn hát ngược xuôi khắp Nam - Bắc. Còn hôm nay, họ trở thành những Phật tử về nương tựa cửa thiền môn. Với họ bây giờ, những ánh hào quang ảo diệu một thời đã là quá khứ xa xôi, không luyến tiếc hay tơ vươn; thay vào đó thì sự an tĩnh trong tâm hồn, sự lành mạnh nơi thể xác mới chính là đều họ mong cầu nhất!

Vũ Sơn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/song-4-mau/dau-xuan-tham-ngoi-chua-dac-biet-nhat-sai-gon-631399.html