Đầu xuân trẩy hội bài chòi

Hội xuân bài chòi năm nay tại Quảng Nam sôi động hơn hẳn mọi năm bởi Nghệ thuật hát bài chòi Trung Bộ vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội xuân bài chòi năm nay tại Quảng Nam sôi động hơn hẳn mọi năm bởi Nghệ thuật hát bài chòi Trung Bộ vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, sự ra đời của Không gian nghệ thuật bài chòi Tuệ Ngọc Minh tại TP Hội An đã trở thành điều kiện vô cùng quan trọng để các địa phương miền Trung, đặc biệt là TP Hội An, Quảng Nam đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trong quá trình phát triển du lịch địa phương.

Hô hát bài chòi tại Không gian bài chòi Ngọc Tuệ Minh.

Hô hát bài chòi tại Không gian bài chòi Ngọc Tuệ Minh.

Điều đặc biệt nhất với du khách thập phương trong dịp Tết Nguyên đán này đó chính là hình ảnh hô hát bài chòi được bày biện khắp nơi không chỉ trên những sân khấu truyền thống mà còn cả trong những thôn làng. Từ sáng mồng 2 Tết đến nay, bên góc chợ cá P. Thanh Hà (TP Hội An), nhóm bài chòi P. Thanh Hà do nhóm các cụ bà cụ ông của phường thành lập lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Chỉ có 3, 4 chiếc bàn nhựa con con, một dàn âm thanh nhỏ với các quân bài cũ sờn nhưng lại thu hút rất đông người chơi, trong đó có cả trẻ em. Mặc cho dòng người du xuân, du lịch ồn ào qua lại, trong không gian này, những câu hát quen thuộc vẫn vang lên đều đặn, tiếng hô của anh, chị Hiệu và tiếng reo mừng của người chơi "tới rồi, tới luôn!" vẫn vang lên đều đặn như tách bạch hẳn cái lao xao của cuộc sống hiện đại ngoài kia.

Vừa phát quân bài cho người chơi, bà Liễu (73 tuổi) vừa giải thích: khoảng nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, tại TP Hội An, trò chơi bài chòi được các vị cao tuổi đứng ra dựng chòi và tổ chức cho người trong xóm, trong làng vui chơi; chỉ hô những câu ngắn gọn được lấy từ ca dao, tục ngữ. Từ giữa thập niên 1990 đến nay, nghệ thuật ca hát bài chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của Hội An, được người dân yêu thích, được lớp trẻ hào hứng kế thừa. "Mỗi năm, dù bận rộn tới đâu chúng tôi cũng tổ chức hô hát. Coi vậy chứ đông người chơi lắm bởi khác với những trò cá cược ăn thua khác, chơi bài chòi vừa được ăn tiền vừa được nghe hát. Vì vậy mà dù có thua thì cũng không có ai so đo gì, chủ yếu vui là chính"-bà Liễu bày tỏ. Thú vị nhất chính là nhóm bài chòi của bà Liễu lại có rất đông người chơi là trẻ em. Mỗi em được phát một quân bài và những cây cờ nhỏ để làm dấu. Các em chăm chú ngồi nghe những câu ca dao, tục ngữ vừa quen vừa lạ: "Không ngon cũng bánh lá gai/ Dù anh có dại cũng trai học trò", "Đi mô cắp tráp đi hoài/ Cử nhân không phải, tú tài cũng không", "Vai mang bị bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm"... Em Phan Thị Minh (12 tuổi) cho biết: "Hồi nhỏ con hay đi nghe bài chòi với bà nội nên biết chơi. Từ hôm mồng 3 Tết đến nay ngày nào con cũng ra đây chơi bài chòi với các bạn". Cứ thế, người rao tiếp tục rút bài và hô những câu ca vần vè khác. Tiếng hô, tiếng cười hòa lẫn vang cả xóm làng. Lũ trẻ cũng hùa theo những câu ca một cách thích thú, rộn ràng. Những đoàn du khách nước ngoài đi ngang qua cũng thích thú ghé lại xem. Dù không hiểu nội dung cuộc chơi nhưng họ cũng hình dung phần nào không khí xuân của làng quê đất Việt.

Nhóm bài chòi P. Thanh Hà thu hút rất đông người chơi là trẻ em.

Không "cây nhà lá vườn" như nhóm bài chòi P. Thanh Hà, tại An Hội (Hội An), hội bài chòi xuân là dịp "đánh lớn" trong năm, cách tổ chức cũng chuyên nghiệp hơn mà người chơi cũng "chịu chi" hơn. Người chơi bài ngồi trong các chòi dựng bằng tre và lợp tranh. Mỗi cuộc chơi gồm 10 người được bố trí ở 2 bên, một chòi trung tâm được đặt ở giữa, trên cùng là bàn điều khiển. Mỗi hội bài có 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài, kết thúc mỗi ván người thắng sẽ được cắm một lá cờ vào chòi của mình và nhận phần thưởng. Cứ xong một ván, cả đám đông rộn rã tiếng cười bởi câu hò dí dỏm của những anh, chị Hiệu. Ngoài người chơi, còn có một "ekip" người điều khiển gồm người phát bài, gom bài, người trao cờ, thu-chung tiền tạo nên nét đặc sắc riêng cho bài chòi xứ Quảng.

Ra mắt trước dịp Tết Nguyên đán ít ngày, Không gian nghệ thuật bài chòi Ngọc Tuệ Minh thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương tại TP Hội An cũng kịp thời phục vụ bà con nhân dân xã Cẩm Hà những chầu bài chòi ngày Tết. Đại tá Lê Anh Dũng- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương Quảng Nam-Đà Nẵng cho biết, dịp Tết Kỷ Hợi năm nay đối với những người yêu mến và cống hiến cho bài chòi lâu nay là một dịp rất quan trọng. Tầm quan trọng của bài chòi trong văn hóa của người dân xứ Quảng thì không phải bàn cãi nhưng lâu nay vẫn chưa có một nơi tổ chức bài chòi một cách bài bản cũng như trưng bày các giá trị của bài chòi cho người dân được biết. Đại tá Lê Anh Dũng hy vọng với bước đi mới và sự đón nhận của bà con trong dịp Tết này, bài chòi sẽ tìm được hướng đi mới trong việc trở về với cội nguồn xứ sở. Để bài chòi không phải chỉ là một cuộc chơi đến rồi đi mà sẽ sống mãi trong lòng người dân xứ Quảng mỗi dịp Tết đến xuân về.

ĐỒNG DAO

Xuân năm nay, Hội An chào đón du khách bằng hàng loạt các hoạt động vui chơi, giải trí trong 3 ngày Tết và loạt hoạt động giải trí lành mạnh trong 7 ngày xuân như phục dựng cây nêu, gióng chuông, chiêng, trống... tại các đình, chùa, hội quán, trường học; đua ghe đảo thủy ngày xuân; giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng; lễ hội Cầu bông Trà Quế, thi đấu cờ tướng; nghệ thuật sắp đặt đèn lồng... cùng các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian hô hát bài chòi, bịt mắt đập om...

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_201985_dau-xuan-tray-hoi-bai-choi.aspx