Đầu xuôi, đuôi chưa lọt

Sau cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16.7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp sóng gió chính trị nội bộ lớn ở nước Mỹ.

Ông Donald Trump đối mặt với làn sóng gió chính trị nội bộ lớn ở nước Mỹ hậu thượng đỉnh với ông Vladimir Putin.

Sức ép hậu thượng đỉnh

Ông Donald Trump bị phê phán nặng nề. Những người phê phán ông Donald Trump cho rằng cuộc cấp cao Mỹ - Nga này đã không được thành công như ông Donald Trump và ông Vladimir Putin tuyên cáo. Họ cáo buộc ông Donald Trump nhượng bộ nhiều và thân thiện với ông Vladimir Putin đến mức làm cho nước Mỹ bị yếu thế trước Nga.

Họ thậm chí còn coi ông Donald Trump là kẻ phản bội. Họ đặc biệt không hài lòng và tập trung công kích ông Donald Trump ở hai điểm là ông không đả phá chính sách đối ngoại của Nga - đặc biệt trong những vấn đề như Ukraina, Crưm và Syria, và công khai tuyên bố tin Nga hơn tin những cơ quan tình báo, phản gián, mật vụ và an ninh của Mỹ trong chuyện liên quan đến những cáo buộc là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Mỹ hồi đầu tháng 11.2016.

Quan điểm của phe này là không thể tin nước Nga, không nên cải thiện quan hệ với nước Nga và phải tiếp tục gia tăng áp lực đối với nước Nga cũng như trừng phạt nước Nga mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Donald Trump bị gây áp lực rất lớn và vì thế đã phải có những cải chính nhất định một số phát biểu sau cuộc gặp ông Vladimir Putin ở Helsinki.

Cứ cho là ông Donald Trump và ông Vladimir Putin ở Helsinki đã khởi đầu được ở mức độ nhất định mối quan hệ giữa Mỹ và Nga thì phần tiếp theo hiện đang rất khó khăn và phức tạp. Cứ cho là đầu đã xuôi đi thì diễn biến tiếp theo đó ở Mỹ lại cho thấy không biết đuôi có thể lọt được không và nếu có thể lọt được thì khi nào mới lọt.

Sự kiên định của ông Donald Trump

Bị phê phán và công kích đến như thế ở Mỹ cũng như buộc phải cải chính một số phát biểu như thế nhưng ông Donald Trump tỏ ra vẫn kiên định quyết tâm gây dựng sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Không vì thế mà nhụt chí, ông Donald Trump đang hướng tới sự kiện lớn tiếp theo là đón tiếp ông Vladimir Putin sang thăm Mỹ, rất có thể còn ngay trong mùa thu này, thậm chí còn trước ngày bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ.

Về biểu hiện ra bên ngoài, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga chưa được cải thiện gì đáng kể bởi cuộc gặp của ông Donald Trump và ông Vladimir Putin ở Helsinki vừa rồi. Trong thực chất có thể khác bởi không ai biết hai người này đã trao đổi riêng và nhất trí riêng với nhau những gì. Nhưng chỉ riêng việc ông Donald Trump kiên định chủ ý thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Nga và chuẩn bị cho cuộc cấp cao tới đây giữa hai nước bất chấp khó khăn mới và bị chống đối trong nội bộ đủ để cho thấy cặp quan hệ song phương này trong thực chất đã có chuyển biến.

Nội bộ nước Mỹ hiện bị phân rẽ sâu sắc bởi cách thức ông Donald Trump xử lý mối quan hệ của Mỹ với Nga. Chuyện liên quan đến Nga hiện cũng là rủi ro lớn nhất đối với quyền lực của ông Donald Trump ở Mỹ. Xem ra, ông Donald Trump lựa chọn cách đối phó là “cây ngay không sợ chết đứng”, tức là dùng chính chủ trương thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Nga để chứng tỏ bản thân đàng hoàng và vô tội. Cách hành xử này vừa công hiệu vừa mạo hiểm đối với ông Donald Trump.

Những đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ trong NATO và đối tác chiến lược lâu nay trong EU có thêm lý do để lo ngại sâu sắc về tương lai của các mối quan hệ hợp tác, đặc biệt về chính trị an ninh khu vực và thế giới với Mỹ cũng như để hoài nghi ngày càng nhiều hơn về mức độ đáng được tin cậy của Mỹ. Tâm trạng ấy đã được họ biểu lộ công khai chứ không giấu giếm.

Sự tương phản ở đây rất rõ giữa thái độ và quan điểm của ông Donald Trump đối với họ và đối với Nga. Việc ông Donald Trump không còn dành cho NATO và EU mức độ ưu tiên chính sách như những người tiền nhiệm chỉ khiến họ thất vọng. Nhưng nếu ông Donald Trump và ông Vladimir Putin nhắm tới hình thành cơ chế tay đôi để xử lý các vấn đề chính trị an ninh khu vực châu lục và thế giới thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy và ảnh hưởng của họ. Họ lo ngại sâu sắc chính vì thế.

Cuộc cấp cao giữa Mỹ và Nga ở Helsinki vừa rồi đã đưa lại nhiều biến động chính trị nội bộ mới ở Mỹ, cục diện quan hệ mới giữa Mỹ và các đồng minh đối tác chiến lược truyền thống cũng như tình thế mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga. Từ nay đến thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - vào đầu tháng 11 tới này - quan hệ giữa Mỹ và Nga chắc chưa dễ sớm có được chuyển biến mang tính đột phá mới. Tương lai của nó phụ thuộc rất nhiều vào việc ông Donald Trump thoát hiểm khỏi chuyện bị điều tra về cáo buộc liên quan đến Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ như thế nào và vào kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử quốc hội kia.

NGẠC NGƯ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/dau-xuoi-duoi-chua-lot-620434.ldo