Davos 2019: Thiếu vắng nhiều gương mặt chủ chốt

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ năm nay thiếu vắng nhiều gương mặt lãnh đạo của các nền kinh tế quan trọng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt khác đã tuyên bố hủy chuyến đi tới Davos để đối phó với rắc rối trong nước. Thế nhưng sự kiện này vẫn phải diễn ra theo đúng lịch trình.

Davos 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến chuyển tiêu cực. (Nguồn: AFP).

Vắng “sao”

Theo dự kiến, có khoảng 3.000 người giàu có và quyền lực nhất thế giới sẽ đổ tới một thị trấn nhỏ ven núi ở Thụy Sỹ để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra trong khoảng từ ngày 22 đến 25/1. Từng là “ngôi sao” của Diễn đàn này hồi năm ngoái, nhưng hiện tại Tổng thống Mỹ đã tuyên bố hủy chuyến đi, chỉ để lại lời chúc Diễn đàn diễn ra tốt đẹp.

“Tôi rất tiếc khi phải hủy chuyến đi quan trọng của mình tới Davos, Thụy Sỹ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới. Tôi gửi lời xin lỗi và lời chúc nồng hậu tới WEF!”- ông Trump viết trên Twitter hồi tuần trước.

Hội nghị thượng đỉnh thường niên này được xem là cơ hội tốt nhất để các lãnh đạo doanh nghiệp, Ngân hàng Trung ương, các doanh nhân của phố Wall, những nhà điều hành có tầm ảnh hưởng và giới chính trị gia quyền lực đàm phán với nhau. Sự kiện cũng quy tụ rất nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, quyết định hủy chuyến đi của cá nhân ông Trump và cả phái đoàn Mỹ tới sự kiện này đã phản ánh hình ảnh một thế giới đang trong tình trạng khá hỗn loạn.

Thủ tướng Anh Theresa May cũng tuyên bố hủy chuyến đi tới Davos sau khi hứng chịu thất bại nặng nề vì thỏa thuận Brexit không được Quốc hội thông qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi đó đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình bạo lực trên đường phố, cũng đã hủy chuyến đi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế nước nhà; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang chạy đua để đắc cử nhiệm kỳ hai, cũng sẽ không xuất hiện tại sự kiện trên.

Tuy nhiên, tại Davos 2019, vẫn có nhiều lãnh đạo các quốc gia khác sẵn sàng trở thành “ngôi sao” của diễn đàn này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa hẹn sẽ tới Davos tham dự Diễn đàn, ngoài ra còn có Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tất cả các lãnh đạo này sẽ phải đối diện với vô vàn thách thức trong các cuộc đàm phán. Biến đổi khí hậu hiện đang gây ra nhiều quan ngại, nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, các ngân hàng trung ương không đưa ra được biện pháp ứng phó hiệu quả trong trường hợp xảy ra suy thoái….tất cả đều là những vấn đề nóng bỏng.

Biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm

Mỗi kỳ diễn đàn tại Davos đều có chủ đề riêng. Và trong năm nay, các nhà tổ chức đã lựa chọn chủ đề: “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Hàng trăm các phiên thảo luận và đối thoại đã được lập ra để giúp người tham gia lựa chọn, trong đó có các chủ đề như “Quản lý cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu”, “Thúc đẩy công nghệ thông tin trên thế giới”, hay “Toàn cầu hóa: Thất bại hay tái cơ cấu?”.

Năm nay, Diễn đàn Davos đặc biệt chú trọng tới sự nguy hiểm mà tình trạng biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới. Ngoài ra sự thay đổi về công nghệ cũng như trào lưu chủ nghĩa dân tộc cũng sẽ khiến giới truyền thông quan tâm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những buổi thảo luận này chỉ mang tính diễn thuyết, trong khi những cuộc đàm phán có thể thay đổi tình hình thực sự lại thường diễn ra trong các căn phòng kín sau những bữa ăn tối của các nhân vật quyền lực.

Một thông tin thú vị nữa là để tham gia những buổi hội nghị như WEF không hề rẻ chút nào. Các công ty phải tiêu tốn bình quân 60.000 USD để mua thẻ thành viên tham dự WEF trong năm 2017. Thậm chí thẻ thành viên chỉ là giấy thông hành để mọi người đủ tư cách tham dự WEF và họ vẫn phải mua vé để vào ngồi tại các buổi hội thảo.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/davos-2019-thieu-vang-nhieu-guong-mat-chu-chot-tintuc428226