Dạy các môn văn hóa trong trường nghề sao cho đúng luật?

Sự việc gây tranh cãi gần đây trở nên gay gắt sau khi Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nghề công tác xã hội cùng với Hiệp hội Các trường trung cấp CĐ Kinh tế kỹ thuật có kiến nghị lên các cơ quan liên quan về việc để các cơ sở GDNN tiếp tục dạy các môn học văn hóa.

Ở đây cần nói rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bao giờ không cho phép các cơ sở GDNN dạy các môn học văn hóa để bảo đảm người học có thể học nghề và học liên thông lên các trình độ thuộc GDNN.

Vấn đề ở chỗ các cơ sở GDNN muốn thu hút người học vào học nghề đã dựa vào tâm lý đám đông của người Việt Nam rất chuộng văn bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều cơ sở tuyển dụng lao động hiện nay (nhất là doanh nghiệp FDI) cũng rất muốn tuyển lao động này hơn là người tốt nghiệp từ các trường nghề.

Vì sao vậy? Trong tiềm thức và niềm tin của các nhà tuyển dụng cho rằng người lao động có trình độ học vấn THPT sẽ rất dễ cho việc đào tạo kỹ năng cứng và mềm (kỹ năng chuyển đổi khi công nghệ nơi làm việc thay đổi) và sau khi tuyển dụng người ta sẽ đào tạo tại máy để có kỹ năng kỹ thuật và những năng lực khác từ 2 tới 3 tháng là có thể đứng chuyền máy.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam có trình độ THPT quá nhiều và trả lương không cao hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Trong khi, rất nhiều gia đình đều muốn cho con em mình có một tấm bằng học vấn THPT rồi sau làm gì thì làm. Thực ra đây cũng là nguyện vọng rất chính đáng. Nhưng tấm bằng phải luôn gắn với thực học và giá trị học vấn thực là điều rất cần quan tâm. Có bằng cấp đó nhưng chưa chắc đã có đủ trình độ thì bằng cấp cũng chỉ là mảnh giấy.

Luật Giáo dục 2019 quy định: "Khối lượng kiến thức văn hóa THPT là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục THPT mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn", tức là trình độ CĐ và như vậy không nhất thiết phải có bằng THPT.

Tại các điều 35, 36 Luật Giáo dục cũng ghi rõ: "GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ CĐ và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ". Điều 36. Mục tiêu của GDNN "... nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp...".

Vì thế, nếu lấy mục tiêu cấp bằng THPT để dạy văn hóa THPT cho học sinh học nghề là không phù hợp với luật pháp hiện hành. Nói cách khác, các môn văn hóa nếu được dạy trong cơ sở đào tạo nghề phải gắn với đào tạo kỹ năng nghề để trở thành lao động trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì mới tồn tại trường nghề. Khi sứ mệnh đào tạo nghề thay đổi nên chăng chuyển trường nghề chuyển thành trường THPT sang ngành giáo dục quản lý?

Như vậy, kiến nghị của 2 hiệp hội nói trên với mong muốn vượt quá khung khổ của luật pháp cho phép đòi hỏi phải có ý kiến của cơ quan ban hành luật là Quốc hội.

TS Hoàng Ngọc Vinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-cac-mon-van-hoa-trong-truong-nghe-sao-cho-dung-luat-20210406220038274.htm