Dạy con cách đối diện với những điều tồi tệ nhất

Đặt ra tình huống tồi tệ nhất với con, con bạn sẽ nhận ra đó là một bài học trải nghiệm đầy thách thức như một bài toán nâng cao không bắt buộc mà nếu giải được thì tốt mà không giải được thì bỏ qua.

Nó đang đứng ở cổng trường đợi mẹ đến đón. Xe máy của cô giáo không nổ được, cô nhờ nó cầm cái cặp sách của cô. “Em giúp cô cầm cái này, để cô thử đạp bằng chân xem có nổ không?”. Nó chạy tới, cầm cặp sách hộ cô. Nó trông cô quen quen, hình như chiều nào nó đứng đây chờ mẹ cũng thấy cô đi ra. Tuy nhiên nó nghĩ đây là cô giáo mới, vì nó không biết cô dạy lớp nào.

“Không được rồi, chắc cô phải nhờ ai đó giúp”. Cô nói thế, rồi nhìn quanh. Bỗng cô reo lên: “Thầy Phước, lại đây giúp một tay”. Nó thấy một thầy giáo trẻ đang đi lại phía nó, trông thầy hơi lạ, nó cũng nghĩ đó là thầy giáo mới chuyển tới. Không biết thầy làm gì mà chỉ hai phút sau là xe nổ máy.

Cô hỏi nó nhà có xa đây không, nó bảo gần thôi. Cô lại bảo nó lên xe cô đưa về. Nó lưỡng lự một chút rồi nhẩm tính, phải 10 phút nữa mẹ nó mới đến đón, chắc hôm nay lại kẹt xe rồi.

(Ảnh minh họa: B.T)

(Ảnh minh họa: B.T)

“Lên đi con, đưa số của mẹ cô gọi bảo mẹ con về rồi để mẹ đỡ phải đón”. “Thôi ạ, về đến nhà con gọi mẹ cũng được”. Nó cầm cái cặp của cô và ngồi lên xe. Thầy Phước cũng ngồi ngay phía sau nó. Nó chưa kịp hiểu chuyện gì thì thấy đầu óc mê đi, nó không còn biết gì nữa, cho đến khi tỉnh lại trong một chiếc xe tải. Nó đoán là xe tải, và chiếc xe đang di chuyển. Nó biết mình bị bắt cóc.

Nó nhìn quanh, nó thấy cô giáo ngồi ở góc xe, cô không còn mặc bộ đồ công sở và đeo kính như nó vẫn thấy ở gần chỗ đứng chờ mẹ đón. Cô mặc áo thun sát nách để lộ hình xăm ở lưng. Cô mặc quần jean rách nhầu nhĩ. Cô nhìn nó bằng ánh mắt của “mẹ mìn”.

Nó nức nở: “Cô ơi, cứu con”. Cô lừ mắt nhìn nó: “Câm mồm, nếu không tao sẽ dán miệng mày lại”. Nó đưa mắt nhìn sang “thầy Phước”. Thầy vẫn mặc áo sơ mi và quần âu đĩnh đạc như lúc chiều. Nó mấp máy môi van xin: “Thầy ơi…”.

“Thầy Phước” và “cô giáo” nhìn nó rồi nhìn nhau bật cười sằng sặc. Nó nín luôn. Nó biết, họ là những kẻ bắt cóc. Họ không phải là cô giáo hay thầy giáo mới. Mấy ngày hôm nay họ lảng vảng ở cổng trường ngay trước mắt nó chỉ để diễn kịch cho nó tin rằng, đó là những thầy cô giáo mới.

Cuối cùng nó cũng bị lừa. Nó hoang mang đến nỗi không còn nghĩ được gì nữa. Nó mới mười hai tuổi, nó sẽ bị giết để bán nội tạng hoặc bị đưa qua biên giới làm vợ người ta, hoặc làm nô lệ… Nó muốn gào lên, muốn nhảy ra khỏi cái thùng xe kín như bưng này nhưng nó bị trói chặt, hơn nữa, nghe giọng điệu của hai kẻ kia, nó biết chắc họ không đùa, sẽ dán miệng nó lại bằng băng dính.

Chiếc xe vẫn rung rình chuyển bánh, rất lâu sau, nó thiếp đi, nó mở mắt ra và thấy đen ngòm toàn bóng tối. “Cô giáo” và “thầy giáo” của nó đã không còn ở trong thùng xe. Nó thấy dường như chiếc xe đã dừng lại. Nó định kêu cứu nhưng không thể mở miệng được. Nó bị dán băng dính vào miệng thật. Họ ra ngoài và đề phòng nó kêu cứu.

Nó nghĩ cách thoát thân. Chân nó bị trói, tay cũng thế, nó lăn lộn trên cái nền lạnh toát của thùng xe, co chân lên để dùng răng cắn cái dây trói, nhưng miệng nó bị dính chặt rồi. Sau một hồi vật lộn, nó mệt lử, nó khóc. Rồi nó lại lăn lông lốc từ đầu này đến đầu kia của cái thùng xe, nó lăn mạnh vào thành thùng hy vọng cửa sắt sẽ bật mở, nó rơi tõm xuống đường và được ai đó cứu. Nó mắc tiểu và thấy hoa mắt vì cố nhịn để không bĩnh ra quần. Nó tuyệt vọng, và rồi lại khóc. Khóc không thành tiếng.

Rồi nó thấy chiếc xe tiếp tục chuyển bánh. Dường như xe đã đi được rất lâu, có thể là đã qua biên giới. Ban nãy nó còn hy vọng mẹ nó đến đón không thấy nó sẽ lập tức báo công an để truy tìm, may ra nó được cứu. Nhưng bây giờ không biết là đã bao lâu rồi, có thể là mười hai tiếng hoặc hơn thế. Nó đã ra khỏi biên giới, chẳng còn hy vọng gì nữa. Nó bắt đầu tưởng tượng đến cảnh nó bị mổ phanh ra bằng dao mổ lợn… nó sợ đến nỗi ngất đi.

Nó nghe tiếng lay gọi, nó tỉnh lại, mơ màng nhìn xung quanh, thấy vài người mặc đồng phục đứng quanh nó. Nó được cởi trói và tháo miếng băng dính khỏi miệng. Nó nhào vào lòng một người mặc đồng phục và khóc nức nở. Đó biết nó đã được cứu bởi các chú ở đồn biên phòng. Nó may mắn thoát nạn khi còn cách biên giới 3km. Phải đến gần sáng hôm sau bố mẹ mới lên đón nó được. Mẹ nó khóc ngất khi nhìn thấy nó rồi lại luôn miệng trách nó dại. Tại sao lại đi theo người lạ để bị bắt cóc?

Nó nhớ, nhà trường đã dạy nó đề phòng với những đối tượng xấu chuyên bắt cóc, nhưng không ai dạy nó cách đề phòng người mà nó tưởng là thày cô giáo của mình. Cũng không ai dạy nó tình xuống xấu nhất là khi bị bắt cóc cần phải làm gì. Nó đã tuyệt vọng và hoảng loạn đến mức xuýt cắn cả vào lưỡi.

Nó sẽ cần phải hỏi lại bố mẹ xem nếu bị bắt cóc nó sẽ phải làm gì? van xin, khóc lóc, tìm cách chạy trốn hay để mặc số phận? nó cần phải biết câu trả lời.

Trong cuộc sống, có những điều xảy ra không như mong muốn như động đất, tai nạn, hỏa hoạn, bắt cóc, lũ lụt... Ứng phó trước hiểm nguy là một kỹ năng mà cha mẹ nên trang bị cho trẻ, kể cả khi con còn đang ở cái tuổi bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đó là cần thiết.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-con-cach-doi-dien-voi-nhung-dieu-toi-te-nhat-104634.html