Dạy con cách nhận lì xì trong ngày Tết cho đúng mực

Làm sao để dạy con cách nhận lì xì trong dịp Tết cho đúng mực đang là thắc mắc của nhiều cha mẹ để con của mình biết trân quý đồng tiền, trân trọng lời chúc và ý nghĩa may mắn.

Những phong bao lì xì trong ngày Tết Nguyên đán đã trở nên quen thuộc với nhiều trẻ nhỏ. Tuy vậy, hầu như các cháu chỉ biết nhận lì xì và thậm chí nhiều bé còn mở ngay ra xem được mừng tuổi nhiều hay ít khiến người mừng rất ngại ngùng.

Vì vậy, TS Vũ Thu Hương cho rằng bố mẹ nên dạy con cách nhận và sử dụng lì xì cho đúng mực để hiểu được ý nghĩa của phong tục này. Sau đây là những chia sẻ của TS Vũ Thu Hương khiến các phụ huynh phải suy nghĩ.

 Dạy con nhận lì xì trong dịp Tết.

Dạy con nhận lì xì trong dịp Tết.

Tục lệ nhận lì xì hình thành ra sao?

Ngày xưa, khi Tết đến Xuân về, ông Táo lên chầu trời, việc ở dưới trần không ai cai quản, bọn quỷ dữ thừa cơ hội gây ra nhiều tai họa. Đặc biệt là ở những nhà có các cháu nhỏ, khi cha mẹ mải mê lo việc sắm Tết, các cháu nhỏ thường bị quỷ dữ vào phá rối giấc ngủ, gây bệnh tật.

Thấy vậy, dân làng rẩt lo lắng. Họ cầu xin Trời Phật giúp họ. Ông Phật xuống trần trong hình dáng của ông Bụt. Để tránh khỏi việc phá rối của quỷ dữ với mùa màng, ông bày cho người dân treo cây cột cao ở ngoài sân rồi ông vắt chiếc áo của ông trên đó. Bóng chiếc áo đổ che khuất cả nhà, tránh được sự nhòm ngó của quỷ dữ. Đây chính là nguồn gốc của cây nêu.

Với trẻ nhỏ, ông Phật cho bọn trẻ mỗi cháu một đồng xu nhỏ gói trong giấy đỏ đẹp và dặn gia đình đặt ở dưới gối khi cháu ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ con sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sợ mà bỏ chạy.

Câu chuyện này sẽ giúp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của tục lệ tặng lì xì. Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy rằng: Không được tiêu những đồng tiền này. Đêm về, phải đặt các phong bao lì xì dưới gối để xua đuổi quỷ dữ.

Bài liên quan

Ngày Xuân nói chuyện Lì xì lấy hên

Dạy con nói cảm ơn khi nhận lì xì: Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết. Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít, hay tiền nhiều trong mỗi phong bao.

Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn…

Không xé phong bao lì xì khi đang ở trước mặt khách: Dạy trẻ khi được lì xì, đừng vội tò mò mà mở phong bao, hãy đợi đến khi người mừng ra về rồi có thể mở.

Hành động mở phong bao lì xì trước mặt khách chắc chắn sẽ làm cho khách cảm thấy khó chịu. Đồng tiền mừng cho trẻ chỉ cần mang ý nghĩa tượng trưng, cái chính là mang đến niềm vui cho con trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được những nét đẹp truyền thống trong phong tục lì xì.

Dạy trẻ sử dụng lì xì vào mục đích hợp lý

Tết là lúc con có nhiều “tài sản” nhất, vì thế rất dễ rơi vào những cám dỗ mua đồ linh tinh. Cha mẹ nên cân nhắc chi tiêu của con hoặc đề nghị giữ giúp để dễ quản lý con.

Chính vì mừng lì xì đầu năm với mục đích mang lại niềm vui cho con trẻ và hàm chứa lời chúc sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, nên cha mẹ cũng như khách không nên mừng quá nhiều.

Cách hành xử của cha mẹ rất quan trọng

Hãy nhớ, để trẻ có thể hiểu được rằng giá trị tiền lì xì không quan trọng bằng ý nghĩa mà nó mang lại phụ thuộc rất nhiều và cách giáo dục, hành xử của người cho, người nhận và cha mẹ.

Thực tế, không ít bậc phụ huynh lợi dụng tục lệ lì xì con trẻ để phục vụ lợi ích cá nhân, cho rằng tiền mừng càng nhiều thì càng được coi trọng, trọng dụng, thể hiện tình cảm càng lớn. Điều này vô hình chung đã gieo vào đầu các bé sự khinh miệt giàu nghèo ngay từ khi nhận những phong bao lì xì đầu tiên trong cuộc đời.

Với những điều trên, hi vọng cha mẹ sẽ giúp các bé học được nhiều về cách cư xử và các kỹ năng khác trong dịp Tết này.

Những hành động của con trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động của chính ông bà, cha mẹ và những người mừng tuổi. Trẻ so bì, thích những lì xì với mệnh giá tiền cao cũng có thể học theo chính từ những hành động của người lớn.

Vì vậy, cha mẹ không bao giờ nên mở lì xì trước mặt trẻ, bình luận so sánh về giá trị mỗi bao lì xì hay người này mừng nhiều, người kia mừng ít. Việc bàn về lì xì bao nhiêu, lì xì cho ai, bình phẩm về người vừa đưa lì xì… cũng không nên nói trước mặt con trẻ.

Hiện tại, những chiếc phong bao lì xì với ý nghĩa tốt đẹp vào dịp năm mới đang ít nhiều bị biến tấu do những giá trị vật chất, thậm chí nhiều người lợi dụng phong tục này cho những mục đích lợi ích riêng.

Bởi vậy, bên cạnh việc tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán các bậc cha mẹ cũng cần chú ý hơn đến việc để con trẻ hiểu hơn về những nét văn hóa, phong tục truyền thống trong ngày lễ này.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/day-con-cach-nhan-li-xi-trong-ngay-tet-cho-dung-muc-d456192.html