Dạy con đối mặt với những điều tiêu cực trong cuộc sống

Theo biên tập viên Nguyễn Giang Linh, trẻ em ngày nay dễ đối mặt với nhiều khía cạnh phức tạp của cuộc sống hơn; bằng cách đọc sách, các em có được hành trang, nền tảng vững vàng.

Độc giả nhí chia sẻ đã đọc Pippi Tất dài 5 lần. Ảnh: MH.

Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook... muôn mặt xã hội được đưa lên mạng và trẻ em ngày nay cũng được tiếp xúc với những phức tạp của cuộc sống sớm hơn. Chúng ta không bao giờ có thể biết chính xác con mình tiếp xúc được với gì, trên mạng cũng như ngoài đời.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện "Những cuốn sách đi cùng tuổi thơ" tại Phố sách Hà Nội sáng 6/5, bà Nguyễn Giang Linh, trưởng phòng Sách thiếu nhi Nhã Nam, nói: "Trong thế hệ mà các con trẻ lớn lên va đập với thế giới nhanh và nhiều như bây giờ, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tạo cho con trẻ một lớp đệm chống sốc thật dày và rộng bằng những kiến thức, cảm xúc trong trang sách".

Xây dựng hành trang vững vàng cho trẻ

Theo biên tập viên Nguyễn Giang Linh, nhiều bậc phụ huynh không muốn con trẻ tiếp xúc với những nội dung kém tích cực, những câu chuyện đau buồn, mất mát, những vấn đề nhạy cảm. Nhiều phụ huynh chọn cách né không nói đến những chủ đề này trước mặt con trẻ, né tránh những chuyện được cho là "xấu". Bà Giang Linh cho rằng đây vẫn là một xu thế ở Việt Nam và sự né tránh sẽ không đem lại cho trẻ một hành trang đủ vững vàng để đối mặt với cuộc sống.

Sách là nguồn tư liệu để các em nhỏ hiểu thêm về bản thân và những người xung quanh. Những tác phẩm kinh điển, những cuốn sách thiếu nhi hay, được viết từ trải nghiệm của các tác giả với cái nhìn vững vàng về cuộc đời.

Các diễn giả tại buổi trò chuyện "Những cuốn sách đi cùng tuổi thơ". Ảnh: MH.

Như Astrid Lindgren, tác giả sách Pippi Tất dài, Lại Thằng Nhóc Emil, được đánh giá là một người kể chuyện xuất sắc đã được trao Huy chương Hans Christian Andersen (được coi như là Giải Nobel cho văn học thiếu nhi). Lindgren như một sứ giả truyền đạt tình yêu và muôn màu cuộc sống đến các em nhỏ.

Tác giả của Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry, chính là một phi công đã nhiều lần vào sinh ra tử khi làm việc. Tác phẩm Hoàng tử bé cũng được viết ra vào đúng năm ông trải qua tai nạn rơi máy bay, lạc trên hoang đảo, đối mặt với cái chết. Những suy nghĩ, những trải nghiệm trong đời, cả tích cực lẫn tiêu cực, đã được ông đúc kết lại trên trang viết.

Tác giả sách Chiến binh cầu vồng, tác giả Cây cam ngọt của tôi, đều là những người đã sống trong những hoàn cảnh khốn khổ, đã chứng kiến cái chết, đã nếm trải nỗi đau và vươn lên. Họ đều là những tác giả lớn đã tận dụng chính trải nghiệm của mình, kể các câu chuyện về muôn vẻ cuộc đời cho thiếu nhi.

Theo biên tập viên Nguyễn Giang Linh, những tác phẩm này cũng đã trải qua nhiều khâu biên tập nghiêm ngặt, loại bỏ những chi tiết có thể gây "tổn hại" đến các tâm hồn trẻ và đưa đến cho trẻ em những câu chuyện vẫn vẹn nguyên ý nghĩa một cách lành mạnh.

Biên tập viên này nói: "Sau hai năm đại dịch Covid-19, trẻ em ngày nay cũng đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý. Chúng tôi cảm thấy việc bố mẹ cho con đọc sách có hướng dẫn, đọc đa dạng thể loại, từ tươi hồng đến vừa vừa, xam xám rồi tối tối, sẽ mở rộng được biên độ chịu đựng cảm xúc của trẻ. Cho trẻ được tiếp xúc dần dần, thì đến khi phải đối mặt với những cảm xúc đau buồn, trẻ sẽ biết cách vượt qua".

Bà Giang Linh cho rằng sau những chi tiết đau buồn trong các cuốn sách, độc giả nhí rút ra được các bài học. Vì vậy, tạo điều kiện cho trẻ đọc thật đa dạng chính là xây dựng hành trang cho trẻ vững vàng đối mặt với cuộc sống.

Sau những chi tiết đau buồn trong các cuốn sách, độc giả nhí rút ra được các bài học. Ảnh: NN.

Điều tạo nên những tác phẩm thiếu nhi kinh điển

Một độc giả nhí xuất hiện tại sự kiện chia sẻ đã đọc sách Pippi Tất dài 5 lần và rất thích nhân vật Pippi Tất dài, cảm thấy đây là một nhân vật rất "giàu", "khỏe" và "cái gì cũng có".

Đó là những chia sẻ rất ngây thơ, hồn nhiên của một độc giả nhí. Theo bà Phạm Thị Hoài Anh, một tác giả sách thiếu nhi, các em nhỏ tiếp xúc với sách rất hồn nhiên, nhìn câu chuyện trong sách qua một lăng kính trong trẻo. Bà Hoài Anh cho rằng cách trẻ em tiếp cận cuốn sách khác hẳn cách người lớn tiếp cận cuốn sách.

Khi đọc sách, các em ít khi nghĩ đến những ý nghĩa sâu xa, những thông điệp vĩ mô, mà thường thích một cuốn sách đơn thuần vì cảm thấy vui, thấy đồng cảm. Những cuốn sách thiếu nhi được nhiều độc giả nhí yêu thích chính là những cuốn có được kết nối tự nhiên với những tâm hồn non trẻ.

Nhiều độc giả trẻ tới dự chương trình sáng 6/5. Điều đó cho thấy sách thiếu nhi kinh điển không chỉ dành cho trẻ em, mà cả thanh thiếu niên, người lớn. Ảnh: MH.

Nhưng để một tác phẩm trở thành kinh điển, tác phẩm ấy phải có tác động lâu dài lên con người. Một tác phẩm có thể làm người bạn đồng hành cùng độc giả qua nhiều chặng trong cuộc đời, một tác phẩm mà khi lớn lên, ta đọc lại và rút ra được một cảm nhận nào đó, chính là một tác phẩm thiếu nhi thành công.

Theo bà Hoài Anh, điểm chung của những cuốn sách thiếu nhi được yêu thích qua nhiều thế hệ là trong những cuốn sách ấy, độc giả tìm được những rung động "rất người". Qua rung động đẹp đẽ với bản thân, với cuộc đời, với thiên nhiên, với cộng đồng xung quanh, ta cảm thấy ta sống đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn. Khi một tác phẩm chạm được đến trái tim, cảm xúc con người, tác phẩm ấy sẽ sống mãi.

Không những thế, bà cũng quan sát thấy các cuốn sách thiếu nhi được coi là kinh điển thường có ngôn từ đẹp, khiến cho trải nghiệm đọc thăng hoa. Ngôn ngữ luôn gắn liền với chúng ta. Và ngôn ngữ của văn chương hay có thể đem lại cho người đọc sự kết nối, những cung bậc cảm xúc mãnh liệt.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/day-con-doi-mat-voi-nhung-dieu-tieu-cuc-trong-cuoc-song-post1428782.html