Dạy con tính tự lập để sớm trưởng thành hơn

Trong gia đình, người bố thường giáo dục con theo cách để con tự làm, như thế không phải là bố không thương con mà đơn giản bố muốn trang bị cho con những kỹ năng để sau này dù chỉ một mình thì con cũng biết cách bảo vệ mình.

Là một người bố, tôi cũng vậy, tôi hiểu dù là cha mẹ nhưng chúng tôi không thể theo chân các con cả đời để chăm bẵm, làm thay các con mọi việc.

Người bố thường giáo dục con theo cách để con tự làm

Khi con gái lớn của tôi biết ăn cơm, chúng tôi đã để cho bé tự xúc với bát và thìa riêng của mình chứ không bón cho cháu. Cháu ăn rất ngoan và ăn hết bát cơm của mình. Thành thử, chúng tôi rất nhàn, chứ không phải đánh vật bón cơm cho con ăn. Khi vợ chồng tôi sinh bé thứ hai, cháu lớn cũng hơn hai tuổi, đã biết nghe lời bố mẹ. Chúng tôi dạy cháu cách lấy đồ cho em. Cháu rất hăng hái, có trách nhiệm và vô cùng yêu em. Đi học nhà trẻ, cháu cũng tự giác cất gọn đồ chơi, gấp gọn quần áo của mình vào ba lô, đợi bố mẹ đến đón. Cháu thứ hai cũng vậy, cũng rất ngoan và tự giác, không dựa dẫm vào bố mẹ hay chị gái.

Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm, năm cháu lớn được mười tuổi, cháu thứ hai tám tuổi, cùng các bạn trong xóm đi lấy lá găng về làm thạch – hồi ấy rất sẵn vì chúng tôi ở quê. Hai cháu hăm hở mang lá về bảo tôi dạy cách làm. Tôi chỉ nói sơ sơ chứ tuyệt nhiên không động tay, để các cháu tự mày mò. Hai chị em ngồi giã kì cạch, rồi lại lọc. Cuối cùng, tác phẩm của các cháu cũng hoàn thành, dù không được hoàn hảo. Thế nhưng, các cháu vui lắm. Tôi cũng vui, vì các cháu biết học hỏi, tự mày mò và thành công.

Sau này, các cháu đều đi học xa nhà nhưng chẳng bao giờ để bố mẹ phải lo lắng. Chúng tự lập và kiên cường khi rời khỏi vòng tay chúng tôi.

Tôi không đồng ý với quan điểm của nhiều bậc cha mẹ, vì nghĩ rằng làm giúp con là thể hiện tình yêu thương với con, vì muốn con chỉ cần chuyên tâm vào ăn, học và chơi, vì nghĩ rằng con chưa biết làm gì, ... đã vô tình cướp đi của trẻ rất nhiều những việc mà lẽ ra nó phải là công việc và trách nhiệm của cá nhân con trẻ. Lẽ ra ở thời điểm cần dạy trẻ tính tự lập để làm nền móng vững chắc cho giai đoạn thiếu niên và thanh niên thì cha mẹ lại không cho trẻ làm, rồi đột nhiên khi trẻ lớn lên trẻ vẫn quen với thói quen được cung phụng như thế thì cha mẹ lại bắt đầu ca thán và la mắng con rằng sao lại ỷ lại thế, dựa dẫm thế.

Chính vì vậy, là bố mẹ, các bạn hãy hiểu rằng rồi một ngày, các con bạn cũng sẽ phải rời khỏi vòng tay của gia đình để bước vào thế giới rộng lớn với vô số điều phức tạp khác. Nếu không có sự chuẩn bị cho con thì từ việc chăm bẵm con như một bảo bối, đột nhiên quăng con giữa chợ đời chẳng khác nào thả một người không hề biết bơi vào hồ nước sâu, tất yếu, đứa trẻ sẽ chết đuối.

Những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống

Những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống

Giống như măng tre phải tự tách từng lớp vỏ để vươn mình trưởng thành thì những đứa trẻ muốn tự lập cũng nên tách dần khỏi vòng tay cha mẹ. Đôi khi “tàn nhẫn” cũng chính là yêu thương, là cách để giúp trẻ trưởng thành, tự lập hơn.

Chúng ta từng nghe ở đâu đó rằng: Những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống.

/**/

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/day-con-tinh-tu-lap-de-som-truong-thanh-hon-d116535.html