Đầy đủ yếu tố cung - cầu trong kết nối doanh nghiệp kiều bào Thái Lan

Các doanh nghiệp kiều bào Thái Lan có nhiều gợi ý kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trên các lĩnh vực cụ thể: nông sản, vải vóc, thủ công mỹ nghệ tạo ra những cơ hội thực tế và tiệm cận.

Nông sản, thực phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Nông sản, thực phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Việt Nam.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN. Hai nền kinh tế Việt Nam và Thái Lan đều có quy mô, phát triển năng động, có sự tương đồng về văn hóa tiêu dùng và sản phẩm, còn nhiều dư địa để thúc đẩy.

Thông tin tại diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp kiều bào Thái Lan với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, ngày 11/7, bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan nói riêng, là bộ phận không tách rời, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Ảnh: Ủy ban NNNVNONV

Bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí

“Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chủ động cùng các bộ, ban, ngành và các địa phương tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối doanh nghiệp kiều bào với địa phương và doanh nghiệp trong nước; khuyến khích kết nối và hình thành mạng lưới giữa doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước với các doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan”.

Cùng định hướng đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nhấn mạnh, cộng đồng người Việt ở Thái Lan luôn hướng về quê hương, đất nước, là cầu nối quan trọng vun đắp tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.

Đại sứ cho biết hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp của kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp thành công, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa.

Ông đề nghị các địa phương quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kiều bào trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng muốn về đầu tư và làm việc tại địa phương. Giới thiệu các lợi thế về sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương cho doanh nghiệp Thái Lan.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành

“Qua diễn đàn, mong muốn giúp cộng đồng doanh nhân kiều bào tại Thái Lan hiểu rõ thêm về tình hình đất nước, cân nhắc những cơ hội đầu tư, đồng thời mở rộng mạng lưới tiêu thụ, phân phối hàng Việt Nam ở nước sở tại, làm cầu nối, thu hút các nguồn đầu tư có chất lượng của Thái Lan vào Việt Nam”.

Củng cố chuỗi cung cầu trong nội khối ASEAN

Chia sẻ bên lề diễn đàn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ với Mekong ASEAN nhấn mạnh,

Kỳ vọng lớn nhất thông qua diễn đàn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể làm quen dần các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, trước mắt là trong nội khối ASEAN và sau là vươn ra khu vực. Đây cũng là một trong những lợi thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Phía doanh nghiệp Thái Lan cũng đã có nhiều gợi ý các lĩnh vực cụ thể: nông sản, vải vóc, thủ công mỹ nghệ tạo ra những cơ hội thực tế và tiệm cận.

Theo ông Nam, để thúc đẩy những kỳ vọng này, Nhà nước đã có khung pháp lý đầy đủ tạo những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp hai bên. Về mặt môi trường, thời gian, điều kiện đạt được độ chín muồi. Hai tổ chức hội cũng đã có sự hỗ trợ về pháp lý, thông tin, kết nối doanh nghiệp. Cơ quan Đại sứ quán của Việt Nam ở Thái Lan rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tăng cường sự kết nối.

“Tín hiệu đáng mừng là phía đối tác Thái Lan sẵn sàng cho các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày miễn phí hàng hóa ở những vị trí trung tâm triển lãm, ngoài ra là hỗ trợ các thủ tục pháp lý về vận chuyển để đảm bảo hàng hóa được hanh thông như chính ngạch”, ông Nam nêu rõ.

“Khi yếu tố cung – cầu đã chín muồi, các doanh nghiệp cần có sự chủ động hơn nữa trong việc kết nối giao thương nhất là khi nhiều mặt hàng doanh nghiệp nghiệp Việt sản xuất, cung trong nước đã lớn hơn cầu và cần kết nối xuất khẩu, trong khi đó Thái Lan là thị trường phù hợp về cả thị hiếu và nhu cầu”.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

“Doanh nghiệp kiều bào Thái Lan hãy lựa chọn ra những hình thức hợp tác để càng nhiều doanh nghiệp hai bên tham gia và vì nhau. Điều quan trọng nhất trong hợp tác là phân chia lợi ích. Kết nối những doanh nghiệp có những mặt hàng, mảng kinh doanh bổ sung cho nhau sẽ giúp tăng lợi ích cho doanh nghiệp hai bên mà không phải cạnh tranh lẫn nhau”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Cũng tại diễn đàn, để tăng cường sự kết nối doanh nghiệp hai nước, ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam – Thái Lan tương đối tương đối dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 36 – 37 tỷ USD.

Việt Nam đang có tỷ lệ dân số vàng và huy động tài chính số đã lên đến 17%. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách thúc đẩy kết nối vốn giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan.

Các doanh nghiệp Thái Lan cũng có thể dễ dàng tìm hiểu về các doanh nghiệp Việt Nam qua các cổng thông tin điện tử để tiến tới hợp tác. Thông qua nền tảng số, doanh nghiệp hai bên sẽ dễ dàng kết nối và trao đổi với nhau.

Ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái - Việt và ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Phương Thảo.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Hiệp hội doanh nhân Thái Lan – Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra khoảng 20 biên bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên, trong nhiều lĩnh vực như may mặc, du lịch khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, đặc sản địa phương…

Từ ngày 3/7 đến ngày 11/7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” tại 06 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang (Phú Quốc), TP HCM, Bắc Giang và Hà Nội.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/day-du-yeu-to-cung-cau-trong-ket-noi-doanh-nghiep-kieu-bao-thai-lan-post8564.html