Dây dưa xử lý tranh chấp chợ Trung tâm Bảo Lộc

Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nêu rõ quyền lợi giữa các thành viên Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại V.A.T (Công ty V.A.T), chủ đầu tư dự án chợ Trung tâm Bảo Lộc (chợ Bảo Lộc), tỉnh Lâm Đồng, nhưng đến nay vụ việc vẫn không được xử lý triệt để, nhà đầu tư thiệt thòi, các tiểu thương bị uy hiếp khiến hoạt động kinh doanh tại chợ Bảo Lộc gặp nhiều trở ngại.

Tiểu thương hoang mang

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi trở lại chợ Bảo Lộc, không còn cảnh bảo vệ, vệ sĩ công khai hù dọa, buộc các tiểu thương phải nộp tiền thuê quầy cho chủ đầu tư như nhiều tháng trước. Tuy nhiên, trái với những thỏa thuận trước đó, hàng tháng các tiểu thương vẫn phải nộp tiền điện, nước, bảo vệ tài sản hàng hóa, sử dụng mặt bằng, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường cho công ty… mua bán nợ.

Theo Bản án phúc thẩm số 09/2017/KDTM-PT ngày 8-5-2017 của TAND cấp cao tại TPHCM và Quyết định Giám đốc thẩm TAND Tối cao số 12/2018/KDTM-GĐT ngày 16-10-2018 “về việc tranh chấp giữa các thành viên Công ty V.A.T” đều tuyên: Biên bản họp Hội đồng thành viên số 02/2013 của Công ty V.A.T ngày 13-11-2012 là hợp pháp một phần.

Trong đó xác nhận, bà Liên có giá trị phần vốn góp là 7,5 tỷ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ), bà Hồng có 12,5 tỷ đồng (chiếm 25%); ông Bình có 7,5 tỷ đồng (chiếm 15%), bà Lê Thị Kim Hoàng có 2,5 tỷ đồng (chiếm 5%). Bà Lê Tân Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty là có căn cứ.

Chủ tịch Hội đồng thành viên có trách nhiệm họp hội đồng thành viên, bầu giám đốc công ty và giám đốc chi nhánh tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo Điều 31 và 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Căn cứ vào 2 bản án này, ngày 26-2-2019, Công ty V.A.T đã tổ chức họp hội đồng thành viên. Cuộc họp có sự chứng kiến của đại diện Chi cục Thi hành án dân sự TPHCM. Tại cuộc họp, Hội đồng thành viên Công ty V.A.T đã bầu ông Phạm Ngọc Bình giữ các chức: Giám đốc Công ty V.A.T và là người đại diện pháp luật, Giám đốc chi nhánh Bảo Lộc kể từ ngày 26-2-2019.

Ông Phạm Ngọc Bình cho biết: “Hiện nay tôi đang giữ con dấu của Công ty V.A.T và con dấu của chi nhánh Bảo Lộc theo quyết định của Hội đồng thành viên công ty. Tuy nhiên, bà Liên lại sử dụng con dấu khác của công ty và con dấu của chi nhánh để yêu cầu bà con tiểu thương đóng tiền thuê quầy sạp là không có giá trị pháp lý”.

Phiếu thu các dịch vụ trong chợ không phải của Công ty V.A.T

Phiếu thu các dịch vụ trong chợ không phải của Công ty V.A.T

Theo người đại diện pháp luật Công ty V.A.T, từ con dấu không chính thống của công ty, bà Liên đã ký hợp đồng cho thuê, bàn giao cơ sở vật chất chợ Bảo Lộc giữa Công ty V.A.T và Công ty CP Tư vấn pháp lý và an ninh Tích Tắc (Công ty Tích Tắc), ngày 17-5 và 12-6-2019, để thu tiền của các tiểu thương.

Khi các tiểu thương chưa biết nộp tiền cho bên nào thì có nhiều đối tượng lạ mặt liên tục hù dọa, đòi cắt điện, nước và đóng cửa quầy sạp, ki-ốt khiến bà con hoang mang. Trước những diễn biến căng thẳng, các tiểu thương đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu khẩn cấp tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Chính quyền lúng túng

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bảo Lộc, chợ Bảo Lộc hiện nay có khoảng 80% quầy sạp có người kinh doanh. Trong khi nội bộ đang xảy ra tranh chấp về pháp lý, nhưng ngày 5-11-2018, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng lại cấp phép để chủ đầu tư xây thêm 28 ki-ốt kết cấu 2 tầng ngay trước mặt tiền chợ và rao cho thuê để kinh doanh hoa tươi, trái cây, sách báo và điện gia dụng.

Theo ông Đoàn Kim Đình, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, trong buổi làm việc giữa các bên, căn cứ theo quy định của pháp luật và nhằm đảm bảo giải quyết hài hòa các mối quan hệ, lợi ích của các bên, UBND TP Bảo Lộc thống nhất theo đề nghị của ông Vương A Tỷ (người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Bích Liên) sử dụng tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TPHCM để tiếp nhận tiền thuê quầy sạp theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty V.A.T và các hộ tiểu thương.

Chợ Trung tâm Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Bình cho rằng, trong các cuộc họp đều đã thống nhất phương án để thanh toán tiền thuê quầy sạp nhưng các tiểu thương bị ép buộc đóng tiền thuê quầy sạp, dịch vụ cho Công ty Tích Tắc (không phải chủ đầu tư chợ Bảo Lộc). Tiểu thương có nguy cơ bị mất tiền, quyền lợi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Bản chất của hợp đồng thuê chợ Bảo Lộc giữa bà Liên và Công ty Tích Tắc là hợp đồng mua bán nợ. Hợp đồng này không tuân theo bản án vì những thành viên theo như giấy phép cũ không còn là thành viên. Thế nhưng, bà Liên vẫn đưa vào để làm biên bản ký với Công ty Tích Tắc”, ông Bình cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, nhìn nhận, đây là vụ việc phức tạp, kéo dài khiến dư luận tại địa phương bức xúc. Ngoài việc phối hợp với Cục Thi hành án dân sự TPHCM tổ chức thi hành bản án, hiện nay địa phương ưu tiên công tác đảm bảo an toàn và sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của các tiểu thương, trong đó sẽ xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng cắt điện, cắt nước.

“Chúng tôi đã chỉ đạo công an tìm hiểu, xác minh nội dung thông tin phía Công ty Tích Tắc ép người dân đóng tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác”, ông Triệu khẳng định.

Chợ Bảo Lộc tọa lạc tại số 1, đường Nguyễn Công Trứ, phường 1, TP Bảo Lộc, khánh thành đưa vào sử dụng tháng 7-2015. Chợ có tổng diện tích 50.000m2, diện tích sàn xây dựng 15.000m2, quy mô 700 quầy sạp, riêng tầng trệt diện tích 10.000m2 với 450 quầy, sạp. Sau khi chợ đi vào hoạt động thời gian ngắn, nội bộ chủ đầu tư xảy ra mâu thuẫn, kiện tụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và quyền lợi của tiểu thương.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/day-dua-xu-ly-tranh-chap-cho-trung-tam-bao-loc-620347.html