Dạy học ở 6 nước, giáo viên người Anh tiết lộ bí quyết thu hút học sinh

Có hơn 11 năm kinh nghiệm giảng dạy khối lớp 6 đến lớp 12 tại các trường học ở Jordan, Romania, Qatar, Ukraine và Anh, nay là giáo viên giảng dạy môn Kinh doanh tại TH School, thầy Gordon William Robertson chia sẻ những kinh nghiệm thú vị giúp mỗi giờ học luôn được học sinh mong đợi.

Thầy Gordon cùng đồng nghiệp trong lễ khai giảng tại TH School

Thầy Gordon cùng đồng nghiệp trong lễ khai giảng tại TH School

- Môn Kinh doanh không được dạy trong các trường công lập nên với hầu hết học sinh Việt Nam đây là khái niệm mới, lạ lẫm. Thầy có gặp nhiều khó khăn khi dạy học môn này?

Vì Kinh doanh là môn học hoàn toàn mới ở Việt Nam, do đó khi bắt đầu học A Level, các em không có hiểu biết gì về môn học hay những khái niệm căn bản.

Thêm nữa, yêu cầu trình độ Tiếng Anh sử dụng trong môn học này rất cao, ngay cả người nói Tiếng Anh bản ngữ hay những người học Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 đều gặp khó khăn này.

Ngoài ra, với môn Kinh doanh, học sinh luôn được kỳ vọng là phải hiểu, phân tích các văn bản. Các em đồng thời được yêu cầu phải xây dựng những câu hỏi theo kiểu tiểu luận phức tạp; như vậy cần phải sắp xếp lại kiến thức và có khả năng rút thông tin và dữ liệu từ các tài liệu nghiên cứu case study thực tế.

Chúng tôi phải làm rất nhiều bài luận, báo cáo, vốn từ tiếng Anh phải vận dụng vô cùng phức tạp.

Bạn biết đó, thuật ngữ chuyên ngành thường rất khác biệt. Thông thường, với học sinh chọn môn A level Toán, Lý, Hóa…, các em đã có những kiến thức căn bản và đã quen với vốn từ vựng đó.

Nhưng với môn Kinh doanh, khi bắt đầu học, các em không có kinh nghiệm gì, đây quả là thách thức. Vì thế, chúng tôi phải có cách tiếp cận, giải thích cho học sinh để các em thu thập được kiến thức nhanh nhất có thể.

Thầy Gordon và học trò trong giờ học môn Kinh doanh tại TH School

- Vậy thầy đã làm thế nào để giúp học sinh vượt qua thử thách với tiếng Anh cũng như hiểu các khái niệm khi dạy môn Kinh doanh?

Điều tôi yêu cầu học sinh của mình làm để nâng cao vốn từ vựng là đặt câu hỏi của riêng mình; học và hiểu các từ khóa; chăm chỉ thực hành nói; học những kiến thức cơ bản, ôn tập lại. Điều quan trọng là các em phải thật sự hiểu định nghĩa và giải thích được những từ khóa (key words/definition); cần phải hiểu, làm bài tập để giải thích những khái niệm đó.

Sau đó, tôi sẽ đưa những ví dụ về trường hợp kinh doanh thực tế và yêu cầu các em tạo ra những tình huống kinh doanh liên quan đến từ khóa đó. Điều đó giúp các em hiểu chính xác khái niệm đó như nào.

Thực sự là một thách thức khi các em phải học đến 1.000 từ khóa. Nhưng một khi hiểu những khái niệm đó thì các em có thể phát triển ra rất nhiều thứ.

Ví dụ như khái niệm về marketing. Marketing thực chất là cách tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trước tiên, các em cần hiểu marketing là gì; sau đó tất cả sẽ cùng thảo luận về việc đó và sẽ phát triển thêm hiểu biết của mình từ những khái niệm đó. Phải hiểu thì các em mới có thể phát triển được.

Bên cạnh việc hiểu định nghĩa thì các em cần áp dụng vào những ngữ cảnh thực tế, cần phân tích tình huống và đưa ra những đánh giá. Khi tôi đưa ra câu hỏi cho học sinh, tôi luôn muốn học sinh phải tiếp cận từ nhiều hướng và các em có những cách nhìn khác.

Khi đưa ra các tình huống, tôi nghĩ rằng các em sẽ hứng thú và học được nhiều hơn từ ngoài những kiến thức trong sách vở. Chúng tôi làm rất nhiều nghiên cứu, giải quyết vấn đề, tìm kiếm thông tin từ những ví dụ thực tế trong cuộc sống.

Tôi cũng luôn cố gắng giúp học sinh tự tin vào chính mình. Thời gian đầu, các em chưa từng học môn này nên có những suy nghĩ khá trừu tượng.

Khi tôi đưa ra câu hỏi, các em thường có những câu trả lời không chắc chắn, lúc thì phương án này, lúc phương án kia. Tôi thường đưa các em ngữ cảnh để chọn lựa và yêu cầu phân tích những điểm được, chưa được, từ đó đưa ra kết luận.

Đôi khi, với một tình huống, những lý lẽ và lựa chọn các em đưa ra là đúng, nhưng tôi vẫn muốn tạo thêm thử thách cho các em bằng cách nói là nó không đúng.

Một số em sẽ phủ nhận lại nhận định của tôi; tôi yêu cầu các em đưa ra các lý lẽ chứng minh. Kiên trì đi theo định hướng, lý luận của mình sẽ giúp các em tự tin vào chính mình. Dựa vào những kiến thức đã học, các em sẽ tự xây dựng được công thức để khiến mình hiểu rõ hơn.

Thầy Gordon và học sinh lớp 11 TH School

- Với lượng kiến thức như vậy, thầy làm thế nào để học sinh không cảm thấy mệt mỏi, chán nản?

Tôi phải nghĩ ra nhiều cách thức và cần linh động để khiến các học sinh luôn hứng thú với chủ đề được học.

Ví dụ, vào 7 giờ sáng thứ 2, các em tràn trề năng lượng để tiếp thu kiến thức mới thì tôi sẽ dạy các em về khái niệm mới. Nhưng vào buổi chiều thứ 6, sự hào hứng và năng lượng đó phần nào giảm đi, tôi phải cho các em hoạt động bằng cách đi lại trong lớp, thảo luận.

Phòng tôi thường hơi lộn xộn vì học sinh của tôi luôn bận rộn. Thông thường trong bài học, mỗi bàn tôi sẽ giao một nhiệm vụ khác nhau. Học sinh sẽ đi xung quanh, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ của nhóm mình, các em sẽ đi tới từng bàn và thảo luận cùng nhau.

Có thể nói, các bài giảng của tôi đều khá vui vẻ và có sự hài hước, thú vị trong đó. Tôi cũng luôn cố để kể những câu chuyện liên quan trực tiếp đến cuộc sống gần gũi của học sinh để các em có thể hiểu hết các khái niệm.

Tất cả các bài học đều có sự tham gia thảo luận nhóm, những câu hỏi tôi dành cho học sinh đều được định hướng cẩn thận và phù hợp với từng học sinh.

Tôi cũng luôn động viên các em luôn hỗ trợ nhau tối đa trong lớp và luôn cố để đem sự hứng thú của học sinh vào trong bài học bất cứ đâu có thể.

Cách tiếp cận trong giảng dạy của tôi rất linh hoạt. Dù đã chuẩn bị giáo án cho mỗi tiết học, tôi vẫn thường thay đổi để phù hợp với tâm trạng, mối quan tâm của học sinh theo mỗi chủ đề. Tất nhiên, nếu học sinh của tôi không hiểu rõ một khái niệm nào đó, tôi sẽ đi sâu vào phân tích để giúp các em thật sự hiểu vấn đề.

Thầy Gordon giao lưu cùng học sinh trong một sự kiên của trường

- Là giáo viên dạy môn Kinh doanh, nhưng đây có phải là mục tiêu duy nhất của thầy đặt ra trong mỗi giờ lên lớp của mình?

Đôi khi dạy lý thuyết, và đưa ra những kết luận là điều khá đơn giản. Tôi là người thích đặt câu hỏi và thường tôi không đưa câu trả lời. Học sinh sẽ là người làm điều này.

Là giáo viên dạy môn Kinh doanh, nhưng tôi không chỉ dạy các em những kiến thức trong kinh doanh mà cả tiếng Anh, kỹ năng trong cuộc sống, cách thuyết trình, làm việc nhóm, các kỹ năng giao tiếp và cả cách làm nghiên cứu (với trình độ tương đương như đại học).

Học sinh luôn sẵn sàng và hào hứng làm những việc tôi giao vì các em rất tin tưởng tôi; các em tin những gì tôi yêu cầu là đang giúp các em hoàn thiện mình.

Rất nhiều học sinh của tôi ở các nước trên thế giới, sau khi đỗ các trường ĐH ở Mỹ, ở Anh hay ở bất kỳ đâu đều nói rằng việc học ĐH rất dễ dàng.

Vì sao lại dễ? Vì các em biết nhiều kỹ năng, có thể làm báo cáo, nghiên cứu. Một phần là vì chương trình học A-level khá chuyên sâu, rất nhiều nội dung học trong A level là chương trình học tại đại học.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc dạy của tôi là tôi cố dạy học sinh mọi thứ. Khi có một vấn đề, tôi dạy học sinh cách làm nghiên cứu, nơi tìm nguồn thông tin, nguồn nào đáng tin, nguồn nào không, cách trình bày cách kết luận.

Tôi không chỉ là giáo viên dạy môn Kinh doanh. Tôi là giáo viên của học sinh, tôi dạy các em kỹ năng và cách tư duy để giải quyết mọi vấn đề.

- Xin cảm ơn thầy vì những chia sẻ hết sức thú vị!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-hoc-o-6-nuoc-giao-vien-nguoi-anh-tiet-lo-bi-quyet-thu-hut-hoc-sinh-4024034-v.html