Dạy học sinh kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô

Dư luận đang rất bàng hoàng và xót xa với trường hợp học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường. Vụ việc thương tâm đã khiến không ít phụ huynh, đặc biệt là cha mẹ có con em đang đến trường bằng phương tiện xe buýt cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Học sinh trường Tiểu học Song ngữ Brendon học kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô

Để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, trường Tiểu học Song ngữ Brendon đã tổ chức buổi thực hành cho toàn bộ học sinh (không chỉ học sinh đi xe tuyến) ngay trên xe của trường để luyện tập kỹ năng xử lý tình huống khi bị kẹt trên xe ô tô nói chung. Đây là một kỹ năng cần thiết mà bất kỳ bạn nhỏ nào từ 3 tuổi trở lên đều có thể nhận biết và thực hiện được.

1. Hãy bình tĩnh

Khi bị kẹt trên xe, đầu tiên con cần bình tĩnh, không khóc và la hét gây mất sức, và hãy quan sát xem trên xe có cửa sổ nào có nút hay tay nắm thì mở cửa sổ ra.

2. Trèo lên ghế lái xe và mở cửa sát cạnh ghế lái

Bởi dù khóa bên ngoài thì cửa sát cạnh ghế lái vẫn có thể mở được từ bên trong nên con hãy trèo lên ghế lái xe và mở cửa, bật lẫy (hầu hết lẫy ở tay nắm cửa ghế lái na ná như nhau) và đẩy cửa thoát ra ngoài.

3. Bấm còi xe

Dù xe có tắt máy, rút khóa điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ ắc-quy, và tiếng còi sẽ thu hút sự chú ý của những người có mặt gần đó. Ắc quy trong xe có thể đủ để còi trong hơn 10 tiếng. Con nên kiên nhẫn bấm còi dài hơi cho đến khi có người nghe thấy.

4. Đèn Hazard

Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Nút bật đèn có hình tam giác rất dễ thấy gần vô lăng buồng lái. Con hãy bấm nút liên tục kết hợp cùng còi xe để gây sự chú ý.

5. Sử dụng búa thoát hiểm

Hầu hết các xe chở khách đều có trang bị búa thoát hiểm (có 2 đầu nhọn, màu đỏ được gắn trên vách xe). Búa được thiết kế để có thể chỉ dùng một lực nhỏ cũng có thể đập vỡ kính mà không cần dùng quá nhiều sức. Mặt khác, khi vỡ kính ô tô cũng sẽ vỡ vụn, không có mảnh sắc nên hoàn toàn yên tâm không thể gây tổn thương đến con.

Kỹ năng tự bảo vệ và thoát hiểm là một trong những kỹ năng sinh tồn cực kỳ quan trọng. Hi vọng rằng người lớn chúng ta bên cạnh việc chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh thì việc trang bị các kỹ năng sẽ giúp các con tự tin và bình tĩnh để xử lý mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống. Và hãy nhớ rằng “Trong những tình huống xấu nhất, việc giữ bình tĩnh là yếu tố sống còn”.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-hoc-sinh-ky-nang-thoat-hiem-tren-xe-o-to-4024935-v.html