Dạy học tích hợp thông qua trải nghiệm thực tế tại làng quê

Từ các hoạt động trải nghiệm thực thế tại làng quê, học sinh hứng thú với môn học vì được tiếp cận, tìm hiểu những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân.

Trường Trung học cơ sở Trần Phú (quận Kiến An, Hải Phòng) vừa tổ chức chuyên đề dạy học tích hợp cấp thành phố với chủ đề “Hình tượng người nông dân Việt Nam xưa và nay”( từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Công nghệ 4.0).

Trường Trung học cơ sở Trần Phú là một trong những ngôi trường luôn đứng trong tốp đầu khối các trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Kiến An.

Năm học 2017-2018, nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xếp thứ 8/198 trường Trung học cơ sở về kết quả thi vào lớp 10 Trung học phổ thông.

Trong đó, môn Toán đứng thứ 3 toàn thành phố, tuy nhiên bộ môn Ngữ văn chưa phát huy hết nội lực nên kết quả còn hạn chế.

Thông qua các tiểu phẩm, học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú tái hiện lại nạn đói năm 1945 tại Việt Nam (Ảnh: CTV)

Thông qua các tiểu phẩm, học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Phú tái hiện lại nạn đói năm 1945 tại Việt Nam (Ảnh: CTV)

Chính vì vậy, Trường Trung học cơ sở Trần Phú lựa chọn chuyên đề trên để tập trung đổi mới phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Để thực hiện đề tài, nhà trường đã họp các tổ, nhóm chuyên môn để rà soát việc thực hiện chương trình và dành 6 tiết học trong khung chương trình lớp 8 được lấy ở các môn Lịch sử và Địa lí 30%, Ngữ văn 60%, Công nghệ 10% cho nội dung chủ đề.

Các nhóm tập trung sinh hoạt chuyên môn, có sự tham gia thảo luận của chuyên viên cốt cán bộ môn Văn của Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An.

Học sinh tái hiện hình tượng người nông dân việt Nam thời đại Hùng Vương (Ảnh: CTV)

Qua rà soát, nhà trường xác định những phạm vi kiến thức liên quan đến chủ đề tập trung chủ yếu vào các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Công nghệ và phân công giáo viên thực hiện.

Cụ thể, nhóm 1 là dự án “Hình tượng người nông dân Việt Nam thời đại Hùng Vương” giao cho cô giáo Hoàng Thị Quyên, giáo viên bộ môn Văn - Địa lý hướng dẫn các em học sinh.

Nhóm 2 thực hiện dự án “Hình tượng người nông dân Việt Nam trong giai đoạn 1930-1945”, do cô giáo Đoàn Thị Kim Thềm là giáo viên bộ môn Văn- Sử đảm nhiệm.

Nhóm 3 thực hiện dự án “Người nông dân Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0” với nội dung trên cần tích hợp môn Công nghệ, do thầy Vũ Như Công, giáo viên bộ môn Công nghệ phụ trách hướng dẫn các em.

Chuyên đề của Trường Trung học cơ sở Trần Phú được các ngành, các nhà trường đánh giá cao (Ảnh: CTV)

Việc thực hiện chuyên đề nhằm mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực học sinh, giúp các em nắm được kiến thức trong một không gian học mới và có những trải nghiệm sáng tạo trong giờ học.

Chuyên đề được triển khai tại nhà trường với những hoạt động trải nghiệm thực tế tại làng quê đã giáo dục học sinh biết trân trọng hơn những thành quả lao động mà người nông dân tạo ra, có ý thức trách nhiệm trong việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Đặc biệt, thông qua chủ đề này học sinh càng thêm tự hào về dân tộc mình qua các thời kì đồng thời biết trân trọng, nâng niu nguồn cội, bản sắc dân tộc;

Đồng thời được cảm nhận và hiểu sâu sắc hơn về phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo.

Thông qua đó giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho các em, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người lao động mới trong thời đại công nghệ 4.0, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-hoc-tich-hop-thong-qua-trai-nghiem-thuc-te-tai-lang-que-post193883.gd