'Đây không phải cách nước Mỹ thường trải qua lễ nhậm chức'

Ông Joe Biden sẽ nhậm chức trong một buổi lễ chưa từng có tiền lệ suốt hàng trăm năm qua, đón nhận di sản của người tiền nhiệm là một nước Mỹ chia rẽ và tức giận.

Gregory Dolezal sinh sống và làm việc tại TP.HCM từ tháng 4/2018. Hiện ông là Phó giám đốc Chương trình đào tạo Hoa Sen Plus, Đại học Hoa Sen; đồng thời là chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam (DAVN) - tổ chức tình nguyện và hoạt động xã hội phi lợi nhuận của cử tri Dân chủ Mỹ ở Việt Nam. Chia sẻ của Dolezal với Zing thể hiện quan điểm cá nhân của ông.

Vài tiếng nữa, nước Mỹ sẽ chứng kiến ông Joseph R. Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46, với sự bảo vệ của hơn 20.000 binh sĩ. Trong khi đó, các thủ phủ của 50 tiểu bang cũng được quân đội bảo vệ nghiêm ngặt.

Buổi lễ diễn ra khi đại dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy vaccine Covid-19 đã được đưa vào sử dụng nhưng cung vẫn chưa đủ cầu.

Đây không phải là nước Mỹ mà tôi biết. Đây cũng không phải là cách chúng tôi tổ chức một buổi lễ nhậm chức như thông lệ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra một cách hòa bình, điều vốn là thành tựu lớn nhất của nước Mỹ cho tới nay.

Thử thách đầu tiên tổng thống đắc cử Biden phải đối mặt sẽ không phải là đại dịch Covid-19, nền kinh tế lao dốc, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng chủng tộc hay tình trạng trẻ em bị chia cắt khỏi cha mẹ ở biên giới với Mexico.

Thử thách đầu tiên đó sẽ là phiên tòa ở Thượng viện về quyết định luận tội người tiền nhiệm Donald Trump.

 Gregory Dolezal là chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam (DAVN). Ảnh: Phương Lâm.

Gregory Dolezal là chủ tịch nhóm Democrats Abroad Vietnam (DAVN). Ảnh: Phương Lâm.

Hoàn cảnh chưa từng có

Nước Mỹ vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc liệu có tiếp tục hướng tới một liên minh hoàn hảo hơn thay vì “tàn sát” lẫn nhau, như cách nói mỉa mai của ông Trump trong lễ nhậm chức năm 2017.

Các chính trị gia và giới truyền thông Mỹ nói rằng đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong đời chúng tôi, cuộc bầu cử mang tính quyết định xem chúng tôi có thể sửa chữa, thúc đẩy thực thi xã hội dân sự hay lại lún sâu vào mối đe dọa mới.

Sau cuộc bầu cử công bằng và chiến thắng thuộc về ông Joe Biden, cuộc bạo loạn ở Điện Capitol khiến ông Trump một lần nữa bị luận tội. Đây là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.

Rõ ràng là trong vụ bạo loạn, những người biểu tình đã xông vào Điện Capitol và truy lùng các viên chức, đòi bắt giữ hay thậm chí giết họ. Nhưng sau tất cả, những người trung thành với ông Trump vẫn kiên định ủng hộ ông. Tuy một người số người trở nên kín tiếng, nhưng họ sẽ không thừa nhận sai lầm của mình. Dường như họ không thực sự muốn nói ra.

Rõ ràng là những hành động dụ dỗ này đã được lên kế hoạch tỉ mỉ hơn chúng ta từng nghĩ. Trong nhiều năm tới, chúng tôi sẽ phân tích các dữ kiện của sự kiện này và thảo luận về tác động của nó.

Đây sẽ được coi là cột mốc đánh dấu một thế hệ, một thời kỳ như sự kiện ngày 11/9, vụ nổ Challenger, sự sụp đổ của bức tường Berlin, vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy hay sự kiện Trân Châu Cảng.

Người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: Reuters.

Thế khó của ông Biden

Bằng cách này hay cách khác, một khi đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Biden sẽ phải giải quyết lần lượt từng cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc ông có vượt qua được những thử thách quá khổ này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào khả năng giải quyết làn sóng phẫn nộ, vốn nhằm vào những hành vi phạm tội và tham nhũng của chính quyền Tổng thống Trump. Đồng thời, ông Biden cũng phải cố gắng đoàn kết lại một nước Mỹ đang trong tình trạng kiệt quệ.

Tại thời điểm ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, ông phải đối mặt với di sản của chính quyền người tiền nhiệm George W. Bush là các cuộc chiến tranh bất hợp pháp.

Nếu đánh giá tổng thống đắc cử Biden theo cách nhìn nhận ông Obama vào thời điểm đó, tổng thống thứ 46 của Mỹ có vẻ yếu đuối trong mắt mọi người - không chỉ riêng những người có tư tưởng cấp tiến, mà ngay cả trong mắt những người bảo thủ đã quá quen với việc coi thường đảng Dân chủ.

Đó là lý do khiến họ không bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, dù chương trình nghị sự của đảng này có thể sẽ có lợi hơn cho họ.

Nếu dốc toàn lực vào việc kết tội người tiền nhiệm và khiến ông Trump không còn đường quay trở lại Nhà Trắng, có thể ông Biden sẽ không giữ được mấy đồng minh đảng Cộng hòa về phía mình. Đây là những người ông thực sự cần để khiến các chương trình nghị sự của đảng Dân chủ được thông qua tại Thượng viện.

Tổng thống đắc cử Biden sẽ phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng sau khi nhậm chức. Ảnh: Getty.

Tin tốt cho ông Biden là bà Kamala Harris sẽ đi vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Ấn và người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức phó tổng thống.

Trong khi đó, quyền kiểm soát Thượng viện cũng không còn thuộc về ông Mitch McConnell. Với cương vị là lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, rõ ràng ông McConnell đã tạo ra lực cản đáng kể đối với phe Dân chủ.

Ít nhất, đảng Dân chủ sẽ có thể thiết lập chương trình nghị sự và quyết định lựa chọn cuộc chơi, ngay cả khi họ chỉ có vị thế nhỉnh hơn một chút khi bỏ phiếu ở lưỡng viện.

Dù vậy, vẫn có một kịch bản khác.

Hãy thử hình dung, theo nghĩa ẩn dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu Thượng viện đối xử với ông Trump như Viện nguyên lão La Mã từng làm với Julius Caesar, khi bị đặt vào tình thế phải đâm ông ta hoặc chịu bị đâm?

Trong lịch sử, nhà độc tài Caesar bị Viện nguyên lão ám sát vì nhiều nguyên lão sợ rằng ông có ý định lật đổ viện này. Nhưng chính vụ ám sát lại dẫn đến cuộc nội chiến, mở đầu cho thời đại mới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Trump chưa kịp khởi động đã “chết yểu” ngay tuần này dưới bàn tay của Mitch McConnell, cùng với các ứng viên tiềm năng khác của đảng Cộng hòa?

Vì cho tới nay, dường như ông McConnell phải công nhận rằng đảng Cộng hòa đã tận dụng được hết những gì có thể từ vị tổng thống tỷ phú.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cầm nghị quyết luận tội Tổng thống Trump được Hạ viện thông qua hôm 13/1. Ảnh: Reuters.

Tính đến cuối nhiệm kỳ, ông Trump đã giúp phe bảo thủ chiếm thế đa số tại Tòa án Tối cao và bổ nhiệm nhân sự chủ chốt vào vô số chức vụ thẩm phán khác. Ông giảm thuế đáng kể cho những người Mỹ giàu có nhất và đẩy lùi các biện pháp bảo vệ môi trường. Đảng Cộng hòa hoàn toàn có thể quyết định nắm lấy những chiến lợi phẩm đó và từ bỏ ông Trump.

Nhưng kể cả như vậy, tôi vẫn không tin vào kịch bản này.

Không ai trong số họ có gan đóng vai Marcus Junius Brutus, chủ mưu vụ ám sát Caesar. Tựu trung lại, không ai trong số họ đủ can đảm để gạt tư lợi sang một bên và thực hiện nghĩa vụ của mình.

Lindsay Graham và Ted Cruz, những tay sai cấp cao nhất của ông Trump tại Thượng viện, vẫn mặc sức tung ra những lời nói dối và huy động sự ủng hộ cho ông.

Vì vậy, ông Biden sẽ cần cố gắng có được lợi thế bằng cả hai cách. Ông ấy phải góp sức vào quá trình luận tội này nhưng không đặt cược quá nhiều vào nó. Ông ấy thậm chí không thể “mách nước” trong cuộc chơi.

Ông Biden phải đóng vai người chia bài công bằng, người thầm mong nhà cái sẽ giành chiến thắng.

Tổng thống Trump không nhắc tới ông Biden trong thông điệp chia tay Ngày 19/1, Tổng thống Donald Trump chia tay người dân Mỹ, đồng thời gửi những lời chúc tốt đẹp đến người kế nhiệm dù không trực tiếp nhắc đến ông Joe Biden.

Gregory Dolezal

Biên dịch: Hương Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/day-khong-phai-cach-nuoc-my-thuong-trai-qua-le-nham-chuc-post1175442.html