Đây là lý do khiến gián Đức trở thành cơn ác mộng tại các chung cư

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là mùa hè 2019, gián Đức đã trở thành cơn ác mộng tại các chung cư ở Hà Nội và TP. HCM.

Gián Đức (trái) có kích thước nhỏ hơn nhiều so với gián thường. Ảnh: Wikipedia

Gián Đức (trái) có kích thước nhỏ hơn nhiều so với gián thường. Ảnh: Wikipedia

Gián Đức có tên khoa học là Blattella germanica, kích thước của con trưởng thành đạt 1,3 - 1,6cm, thậm chí lớn hơn. Những con gián này du nhập vào Việt Nam qua các kiện hàng vận chuyển bằng đường hàng không hoặc tàu biển.

Gián Đức từng trở thành nỗi kinh hoàng của người Anh - vì chúng ăn và gặm nhấm tất cả mọi thứ, từ da, sách, bao bì nhựa cho đến thức ăn. Ngoài ra, loài côn trùng này cũng có rất nhiều lý do để trở thành cơn ác mộng của mọi người.

Theo miêu tả của người dân, chúng nhỏ hơn gián thường, không bay được và chạy rất nhanh, dễ luồn lách vào những khe hở hẹp và nhanh chóng sinh sôi nảy nở.

Gián Đức sinh sản nhanh hơn bất kỳ loài gián hay sống trong nhà nào, quá trình trưởng thành từ trứng đến mức sinh đẻ được chỉ khoảng 50 - 60 ngày. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, một cặp gián Đức có thể tạo ra 10.000 hậu duệ chỉ trong 1 năm và quá trình sinh sản diễn ra nhanh nhất vào những tháng mùa hè.

Điều đáng ngại là chúng tỏ ra "nhờn" với các loại thuốc diệt côn trùng. Do ở chung cư có các đường ống thoát nước, nhà vệ sinh và chậu rửa trong bếp nên khi đặt thuốc, gián theo đường ống bò sang nhà khác. Một thời gian sau, thuốc hết tác dụng, gián lại quay về.

Còn các loại thuốc xịt đang bán trên thị trường, dùng lần đầu hiệu quả, nhưng dùng nhiều lần gián sẽ kháng thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi nở, phần lớn lũ gián con sẽ kiếm dinh dưỡng từ chất thải của con trưởng thành, vì thế chúng dễ dàng tránh việc ăn phải bả.

Chất bài tiết của gián Đức có mùi hôi khó chịu, có thể ảnh hưởng tới mùi vị thức ăn. Chúng cũng là vật chủ của nhiều loại vi khuẩn và virus, trong đó có khuẩn đường ruột Salmonella.

Gián Đức có thể gây ra nhiều dạng của bệnh dạ dày - ruột như ngộ độc thực phẩm, lỵ, tiêu chảy và nhiều bệnh khác. Tổ chức vi sinh vật gây bệnh bám vào chân hoặc thân gián và nhiễm vào thức ăn khi gián bò lên. Trên cơ thể gián cũng có nhiều chất gây dị ứng, có thể gây ra phản ứng như mẩn đỏ da, mắt chảy nước, hắt hơi, ngạt mũi và bệnh hen suyễn.

Gián Đức thích ở chỗ cao (chung cư), nơi có nhiệt độ, độ ẩm cao

Cách phòng chống và tiêu diệt

Để khắc chế sự sinh sôi của gián Đức, người dân phải sửa nguồn nước rò rỉ trong nhà, trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường. Xoong nồi, bát đĩa nên úp ngược để gián không đẻ trứng. Không để thức ăn trên mặt bàn, thu dọn rác thường xuyên, dùng thùng rác có nắp.

Để tiêu diệt gián, có thể dùng thuốc diệt gián trộn lẫn với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, đường...) đặt gần tổ của chúng. Ngoài ra, có thể sử dụng chất đuổi gián tự nhiên như tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi... Hoặc thuê một đội diệt côn trùng chuyên nghiệp trên phạm vi toàn chung cư để có kết quả triệt để nhất.

Ngoài ra có thể sử dụng thuốc điều tiết sinh trưởng côn trùng (Insect growth regulator - IGR), có chứa những chất như hydroprene hay methoprene. IGR sẽ can thiệp vào quá trình lột xác của côn trùng, ngăn chúng trưởng thành. Tác dụng của IGR (tức là thời gian để côn trùng lăn ra chết) sẽ phụ thuộc vào bản thân sản phẩm, côn trùng ăn phải IGR vào giai đoạn nào và tốc độ phát triển của con vật.

Mai Anh (t/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/day-la-ly-do-khien-gian-duc-tro-thanh-con-ac-mong-tai-cac-chung-cu-68473-8.html