Đây là thời điểm quan trọng để điều chỉnh chiến lược thu hút FDI

Sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Khu vực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là điểm sáng mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, FDI đã và đang là một bộ phận của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng, nhưng trước bối cảnh mới, biến động mau lẹ của tình hình kinh tế thế giới mới, muốn tiếp tục thu hút và sử dụng FDI tốt phải có điều chỉnh về mặt chiến lược, khắc phục được những hạn chế còn tồn tại.

Tăng chất ấn tượng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Trên chặng đường 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã đồng hành cùng tiến trình Đổi Mới và mở cửa nền kinh tế, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam có được những thành tựu phát triển vượt bậc như ngày hôm nay, có thể khẳng định có sự đóng góp không nhỏ của khu vực đầu tư nước ngoài. Trong những năm đầu thực hiện chính sách mở cửa, đầu tư nước ngoài đã góp phần đáng kể trong việc xóa bỏ thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước và tổ chức quốc tế; thúc đẩy tiến trình hội nhập; bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời khơi dậy nguồn lực trong nước để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế, đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng và tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo”.

Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đạt được những con số ấn tượng, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế.

Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017.

Ảnh minh họa

Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước.

Với sự tham gia của đầu tư nước ngoài, nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch... đã có bước phát triển đáng kể trong những năm qua. Đầu tư nước ngoài còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng vào xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Về xã hội, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017. Bên cạnh đó, khu vực này cũng tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5-6 triệu lao động.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là những đơn vị đi tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý…

Kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Định hướng mới trong kỷ nguyên mới

Với chủ đề Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới, Hội nghị sẽ tập trung đánh giá nhiều thành tựu cũng như hạn chế trong 30 năm thu hút FDI, đồng thời, đề ra định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thực tế, Việt Nam đã "hút" được công nghệ tiên tiến từ khu vực FDI như công nghệ cao, công nghệ nguồn để hỗ trợ cho phát triển kinh tế… vẫn chưa được như kỳ vọng. Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với Việt Nam trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài thời giai đoạn tới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm và đang dịch chuyển theo các hướng thuận và không thuận đối với Việt Nam. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực... và đặt ra thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội để Việt Nam có thể "đi tắt, đón đầu", bắt kịp với các nước.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam phải tiếp tục thu hút nhưng phải có trọng tâm trọng điểm hơn, ví dụ gắn với quá trinh cải cách, tái cơ cấu, gắn với Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết doanh nghiệp nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn… Đấy là định hướng lớn trong thời gian tới của Bộ.

Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tào nguồn nhân lực trong nước trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT định hướng, chúng ta sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Để thực hiện mục tiêu, định hướng trên, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và chương trình hành động cụ thể, trong đó, tập trung vào các giải pháp hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài; thúc đẩy liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp trong nước; đổi mới cơ chế và phương pháp xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát...

Sáng nay, 4/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đây là hội nghị quy mô cấp quốc gia với sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, Trung ương, địa phương, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài, trong nước, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới,... Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chủ trì và có phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.

Ảnh: VGP

Bích Ngọc

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/day-la-thoi-diem-quan-trong-de-dieu-chinh-chien-luoc-thu-hut-fdi-128246.html