Dạy liên kết trong trường học ở Thanh Hóa: Vì sao trên 'nóng' dưới 'lạnh'?

Dù Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý việc dạy liên kết, nhưng sự việc không được giải quyết triệt để.

Trường Tiểu học Quảng Nham 1 (Quảng Xương, Thanh Hóa) đang liên kết với Công ty BIBI dạy liên kết tăng cường môn Toán - Tiếng Việt.

Tình trạng một số công ty truyền thông giáo dục... đang thực hiện ký hợp đồng với các trường học (tiểu học) để dạy liên kết tăng cường môn Toán - Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa, thu tiền của học sinh, rồi “ăn chia” với nhà trường, gây bất bình cho nhiều phụ huynh.

Dù Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý việc dạy liên kết, nhưng sự việc không được giải quyết triệt để.

Trên “nóng”

Cuối tháng 10/2023, Báo GD&TĐ đã đăng tải loạt bài “Hoạt động dạy liên kết trong trường học ở Thanh Hóa” phản ánh về vấn nạn dạy liên kết trong hệ thống trường học tại Thanh Hóa.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trả lời Báo GD&TĐ về vấn đề này và cho rằng đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra, rà soát chấn chỉnh, xử lý. Trái ngược với chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh trên, thực tế tình trạng này vẫn diễn ra, không được xử lý triệt để.

Ngày 29/12/2023, Sở GD&ĐT Thanh Hóa có văn bản gửi phóng viên Báo GD&TĐ, thông tin về việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý vấn đề nêu trên. Văn bản nêu: Ngay từ tháng 8/2023, Sở GD&ĐT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra. Sở GD&ĐT đã nhận thấy việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS); hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (GDNGCK) tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả tích cực.

Huy động được các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng phần lớn nhu cầu học tập của người dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, khiến nhân dân và dư luận quan tâm, như: Dạy Toán, Tiếng Việt tăng cường ở các CSGD tiểu học…

Cũng theo văn bản của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, đến tháng 10/2023, (thời điểm Báo GD&TĐ đăng tải các bài viết liên quan đến vấn đề dạy học liên kết), sở tiếp tục phối hợp với liên ngành (Công an Thanh Hóa, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) thành lập 3 đoàn kiểm tra, chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện/thị xã/thành phố kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh...

Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành 2 văn bản và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản chấn chỉnh các tồn tại hạn chế. Tập trung vào các nội dung xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK tại các CSGD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xử lý các vấn đề tồn tại.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát các CSGD trực thuộc trong thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật về liên kết, tổ chức, triển khai các hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK.

Đó là GDKNS, liên kết đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, dạy Toán, Tiếng Việt tăng cường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, các hoạt động phát triển năng khiếu thể thao, văn hóa, nghệ thuật...

Tạm dừng tổ chức hoạt động hoặc liên kết giáo dục với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, để chấn chỉnh hoặc đề nghị đơn vị có thẩm quyền xử lý khi có vi phạm quy định.

Hợp đồng giữa Trường Tiểu học Quảng Nham 1 và Công ty BIBI.

Dưới vẫn “lạnh”

Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng yêu cầu các CSGD mầm non, tiểu học, THCS và đơn vị trực thuộc sở, trung tâm GDNN - GDTX nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động GDKNS; hoạt động GDNGCK, về hoạt động liên kết giáo dục với các trung tâm ngoại ngữ, tin học; đơn vị được cấp phép tổ chức hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK.

Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK trong CSGD được giao quản lý. Không được cắt xén thời gian dạy học chính khóa để tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa.

Không được ép buộc hoặc ngầm ép buộc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh không có nguyện vọng học liên kết, bổ trợ, tham gia hoạt động GDNGCK phải nghỉ tiết để chờ học tiết chính khóa tiếp theo.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học; các đơn vị được cấp phép hoạt động GDKNS và hoạt động GDNGCK, chỉ tổ chức hoạt động giáo dục tại địa điểm được cấp phép. Khi có sự thay đổi về địa điểm hoạt động, phải báo cáo Sở GD&ĐT xem xét theo quy định của pháp luật. Khi tổ chức hoạt động liên kết giáo dục với các CSGD, phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình tổ chức hoạt động liên kết, người đứng đầu các đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý giáo dục về hồ sơ, quy trình thực hiện, nội dung, chất lượng giáo dục... Không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa....

Dù Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có chỉ đạo như trên, nhưng theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, hiện tại ở nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hóa vẫn diễn ra hoạt động dạy liên kết tăng cường môn Toán và Tiếng Việt.

Tại huyện Quảng Xương còn hiện tượng một số doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng liên kết dạy tăng cường Toán, Tiếng Việt với hàng chục trường tiểu học trên địa bàn.

Đơn cử, ngày 30/10/2023, Trường Tiểu học Quảng Nham 1 và Trường Tiểu học Quảng Nham 2 (huyện Quảng Xương) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế BIBI (có địa chỉ tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về việc liên kết tổ chức hoạt động GDNGCK hai môn học Toán, Tiếng Việt.

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Trương Đình Hân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Nham 1 cho biết, nhà trường có 952 học sinh. Sau khi trừ số học sinh thuộc diện khó khăn, khuyết tật... thì còn khoảng hơn 800 em tham gia học tăng cường 2 môn Toán, Tiếng Việt.

“Nhà trường bố trí dạy tăng cường môn Toán, Tiếng Việt cho học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 4 mỗi tuần 3 tiết, vào cuối buổi chiều thứ 3, 4 và 5. Còn học sinh khối lớp 5 học 1 buổi vào chiều thứ 5. Mỗi tiết học, công ty và nhà trường thống nhất thu 10.000 đồng/học sinh”.

Trường Tiểu học Quảng Nham 2 cũng có 927 học sinh, thì có khoảng hơn 800 em học tăng cường môn Toán, Tiếng Việt với 1 tuần 3 tiết, mỗi tiết 10.000 đồng.

Một số phụ huynh học sinh (đề nghị giấu tên) có con em đang học ở 2 ngôi trường này phản ánh: “Chúng tôi thấy quá vô lý, thậm chí bất bình việc đóng góp tiền học tăng cường cho con. Mỗi cháu học tăng cường, nhà trường thông báo phải nộp 810.000 đồng cho 81 tiết học/năm học. Trong khi đó, học sinh tiểu học được Nhà nước miễn học phí, mà lại phải đóng khoản tiền học tăng cường, thậm chí còn cao hơn nhiều so với học phí của cấp THCS, với mức 450.000 đồng/năm học”.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-lien-ket-trong-truong-hoc-o-thanh-hoa-vi-sao-tren-nong-duoi-lanh-post667904.html