Đẩy lùi ma túy xâm nhập học đường

Người sử dụng ma túy (MT) đang khoác lên mình chiếc áo đồng phục học sinh, chưa ý thức hết tác hại và hệ lụy MT gây ra cho sức khỏe, thể chất, tinh thần của bản thân, có người chỉ thử một lần cho biết, có người bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo rồi bị cuốn vào MT... Vì vậy, ngăn chặn MT xâm nhập học đường, giúp các em có môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi an toàn, lành mạnh cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Có mặt tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Hà Giang) vào tiết chào cờ sáng thứ Hai, sau khi Ban Giám hiệu triển khai nhanh nhiệm vụ trong tuần, Đoàn trường dành phần lớn thời gian tổ chức tuyên truyền về tác hại của MT, thuốc lá điện tử cho học sinh thông qua các phần đố vui, trả lời câu hỏi nhận quà. Những cánh tay hào hứng giơ lên, sôi nổi trả lời câu hỏi về tác hại của MT, những con đường dẫn đến MT, làm gì khi bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo sử dụng MT, trách nhiệm của bản thân trong phòng, chống MT. Em Nguyễn Thu Hằng, lớp 11B8 chia sẻ: “Thông qua buổi tuyên truyền, em nhận thức được MT rất có hại, gây ảo giác, mệt mỏi về tinh thần và nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến việc học tập. Bản thân em sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, bạn bè và chủ động tránh xa các loại MT, đặc biệt là kiên quyết từ chối khi bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo”.

Công an thành phố Hà Giang tuyên truyền phòng, chống ma túy tại trường học.

Trường THPT Lê Hồng Phong có trên 1.200 học sinh. Xác định việc phòng, chống MT học đường là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã làm việc với Công an thành phố Hà Giang về tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần; sinh hoạt lớp; sinh hoạt ngoại khóa; sinh hoạt câu lạc bộ của Đoàn thanh niên; phát động phong trào thi đua, xây dựng nền nếp lớp học; đẩy mạnh hoạt động thể thao, văn nghệ; mời Công an thành phố đến tets nhanh đối với các học sinh có biểu hiện nghi sử dụng thuốc lá điện tử; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và chính quyền địa phương trong quản lý, theo dõi học sinh. Qua đó, ý thức phòng, chống MT trong trường học; các hoạt động dạy và học đi vào nền nếp.

Hiện nay, tình hình tội phạm và tệ nạn MT trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tệ nạn MT học đường. Tại một số trường học xuất hiện tình trạng học sinh sử dụng các loại thuốc lá điện tử, cỏ Mỹ có chứa chất MT gây ảo giác, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thể chất, quá trình học tập, gây hoang mang dư luận và những vấn đề phức tạp về ANTT. Toàn tỉnh có 69/193 xã, phường, thị trấn có người nghiện MT ngoài xã hội. Cùng với đó, các đối tượng hoạt động phạm tội về MT ngày càng tinh vi, manh động, có sự liên kết với các đối tượng ngoài tỉnh, thường liên lạc, trao đổi, mua bán MT qua khâu trung gian, địa điểm cất giấu, giao nhận trái phép chất MT không cố định, dẫn đến gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi theo dõi, phát hiện, xử lý. Thực tế, khi các loại tội phạm về MT có xu hướng gia tăng thì “sức đề kháng” của cộng đồng, đặc biệt là một bộ phận thanh, thiếu niên sẽ ngày càng giảm, khiến nguy cơ MT xâm nhập học đường tăng lên.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong trả lời câu hỏi trong buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Để tích cực ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn MT tấn công học đường, các cấp, ngành, trường học đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng tránh cho học sinh; tăng cường theo dõi, giám sát và quản lý con em, học sinh, kịp thời phát hiện các biểu hiện lạ để sớm ngăn chặn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, ngành, đoàn thể đã tổ chức trên 480 buổi tuyên truyền cho trên 21.300 lượt người nghe; nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; chú trọng xây dựng các mô hình phòng, chống MT như: Đoàn thanh niên xây dựng xã không ma túy; câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật; mô hình tự quản về ANTT; đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; phòng ngừa thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; mô hình “Không có người thân nghiện MT, không vi phạm pháp luật”; câu lạc bộ phòng, chống MT học đường. Ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở trường học xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng, đoàn thanh niên, phụ huynh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống MT trong trường học; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em chủ động phòng ngừa, tránh xa các tệ nạn xã hội; tổ chức các hoạt động phòng, chống MT đa dạng, lồng ghép vào các môn học, tổ chức các hoạt động, trò chơi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh, tuyên truyền, cổ động, sân khấu hóa; thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ để thu hút học sinh tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, hạn chế bị lôi kéo sử dụng MT.

Đội trưởng Đội hình sự, kinh tế, ma túy (Công an thành phố Hà Giang), Ngô Văn Khương chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thành phố khởi tố 4 vụ/4 đối tượng liên quan đến MT học đường; phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức 13 buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh; trong đó có nội dung về MT, thuốc lá điện tử cho trên 4.400 lượt người nghe. Hiện nay, việc mua, bán thuốc lá điện tử diễn ra trên không gian mạng khiến việc nắm bắt, ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương, trường học và phụ huynh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để chung tay đầy lùi MT ra khỏi trường học”.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, nhà trường, xã hội, gia đình và bản thân các em học sinh sẽ tạo nên tấm “lá chắn” an toàn, bền vững, giúp đẩy lùi tệ nạn MT xâm nhập trường học, góp phần bảo vệ và thúc đẩy thế hệ tương lai phát triển lành mạnh, hướng thiện và có ích.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/day-lui-ma-tuy-xam-nhap-hoc-duong-74f5624/