Đẩy lùi tín dụng đen

Sáng ngày 26/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng để góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tín dụng nông nghiệp đạt 1,69 triệu tỷ đồng

Số liệu mới nhất được đưa ra tại Hội nghị cho thấy, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 11 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong những năm qua, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn liên tục tăng trưởng nhanh. Theo đánh giá, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể giúp người vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực này, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây nhất, NHNN trình Chính phủ Nghị định 116 số 116/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế triển khai nông nghiệp trong tình hình mới với nhiều điểm mới đột phá.

Ông Vũ Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, Nghị định 116/2018/NĐ-CP có điểm đáng chú ý đó là sẽ nâng gấp đôi mức cho vay không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình. Cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

NHNN cũng cho biết sẽ bổ sung quy định mở rộng đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy định về việc tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương thức sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an cho biết có nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa có khái niệm chính thống về tín dụng đen cũng như quy định của pháp luật. Đối tượng vay nặng lãi thường là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá...Các đối tượng cho vay nặng lãi thường không quy định lãi suất cụ thể mà thường tính lãi suất theo ngày; thu nợ với nhiều hình thức trái pháp luật, thuê “xã hội đen”…

Quang cảnh Hội nghị.

Theo ông Phạm Huyền Anh, tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa kết nối ngân hàng và khách hàng... Hiện tín dụng đen chưa ảnh hưởng đến ngành ngân hàng, nhưng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành.

Ông Phạm Văn Tám - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, đánh giá tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã xảy ra từ nhiều năm nay, không chỉ có ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố lớn. Các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn, nhưng có nhiều thủ đoạn đòi nợ...

Để đẩy lùi tín dụng đen, theo ông Tám, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành. Bộ Công an đang có kế hoạch điều tra cơ bản, yêu cầu tất cả công an từng địa phương lên từng đối sách với từng băng nhóm, đối tượng. Các công an đơn vị địa phương mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, gắn với bảo vệ an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên Đán. Cơ quan công an cũng đề nghị ngành ngân hàng cần đơn giản thủ tục, hồ sơ vay vốn và cung cấp nhiều gói tín dụng phù hợp đối với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và nhiều đối tượng có nhu cầu vốn phù hợp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Đồng thời, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen.

Đồng thời phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đáu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tương, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/day-lui-tin-dung-den-tintuc426353