Đẩy mạnh các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue

Tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến ngày 21/8/2022, toàn tỉnh ghi nhận 7.999 ca mắc SXHD, tăng 869,57% (7.174 ca) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 242 ca nặng, 11 ca tử vong. Trong tuần 34 (từ ngày 15 - 21/8/2022), các địa phương có số ca mắc cao là: huyện Cao Lãnh, Thanh Bình và TP Cao Lãnh.

Anh Nguyễn Phước Lộc ngụ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (bìa trái) nuôi con bị bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh (ảnh chụp ngày 26/8/2022)

Tại huyện Cao Lãnh, tình hình bệnh SXHD có chiều hướng tăng, đỉnh điểm từ tháng 7/2022 đến nay, trung bình hàng tuần, huyện ghi nhận khoảng 50 ca mắc SXHD. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 21/8/2022, huyện Cao Lãnh ghi nhận 949 ca, các xã có số mắc cao gồm: Phong Mỹ, Tân Nghĩa, Gáo Giồng, Ba Sao, An Bình, Mỹ Hội, Bình Thạnh. Tình hình trẻ em và người lớn nhập viện điều trị SXHD tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh tăng. Cụ thể, trong tháng 6 là 53 ca, đến tháng 7/2022 tăng lên 111 ca. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay là 313 ca, bao gồm trẻ em và người lớn, trong đó, có 29 ca có biểu hiện nặng phải chuyển lên tuyến tỉnh điều trị. Ngành y tế huyện đang tích cực trong công tác điều trị cho người bệnh SXHD.

Bà Ngô Thị Hoa (SN 1963) ngụ Ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh đang điều trị bệnh SXHD tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh cho hay, đầu tiên là con dâu của bà bị bệnh SXHD và được Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp điều trị khỏi bệnh. Sau đó vài ngày, bà Hoa có dấu hiệu sốt liên tục, không bớt nên bà đến Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh khám. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị mắc SXHD và cho bà nhập viện để điều trị. Bà Hoa chia sẻ: “Tôi đọc báo, xem ti vi cũng biết về bệnh SXHD nhưng không nghĩ mình sẽ bị bệnh. Sau khi tôi và con dâu bị bệnh, chính quyền ở xã đã đến phun xịt hóa chất diệt muỗi, hướng dẫn cho gia đình tôi xúc lu, đổ các vật dụng đọng nước xung quanh nhà để diệt lăng quăng phòng bệnh SXHD. Sau khi mắc bệnh, tôi đã hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh SXHD. Sắp tới, gia đình tôi sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh”.

Còn anh Nguyễn Phước Lộc (SN 1982) ngụ ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh nuôi con trai 3 tuổi bị bệnh SXHD đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh cho biết: “Con trai của tôi bị sốt 3 ngày liên tục. Tôi mua thuốc cho con uống nhưng bệnh tình không giảm, trên người xuất hiện các nốt mẩn đỏ nên tôi vội đưa con đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị bệnh SXHD và cho bé nhập viện để điều trị”. Theo bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quang Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh, một số nguyên nhân bệnh SXHD tăng như: địa bàn huyện rộng, một số người dân chưa thực hiện tốt các biện pháp diệt lăng quăng hàng tuần, khi đến hướng dẫn thì người dân thực hiện theo, nhưng sau đó, một số gia đình quên thực hiện. Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS tổ chức giám sát mật độ muỗi tại các xã, thị trấn; xử lý nhanh các ổ dịch, phun xịt hóa chất diệt muỗi bán kính hẹp 200m. Đồng thời phối hợp địa phương tổ chức 5 chiến dịch diệt lăng quăng tại các xã, thị trấn khi xuất hiện ổ dịch, các điểm khu dân cư đông người có nguy cơ bệnh SXHD. Song song đó, phối hợp với các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn, Tổ nhân dân tự quản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về mức độ nguy hiểm của bệnh SXHD. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh SXHD.

Tại TP Cao Lãnh, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 21/8/2022, thành phố ghi nhận 1.132 ca, tăng 1.053 ca so với cùng kỳ năm 2021, đã xử lý 458 ổ dịch. Theo dự báo của Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, tình hình bệnh SXHD tại TP Cao Lãnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc SXHD có khả năng tiếp tục tăng trở lại vào các tuần kế tiếp. Hiện nay, ngành y tế TP Cao Lãnh đang triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn 15 xã, phường của thành phố. Hàng tuần vào ngày thứ Năm, thứ Sáu, các Trạm y tế trên địa bàn thành phố phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã, phường đồng loạt ra quân xử lý và hướng dẫn các hộ gia đình xử lý các vật chứa nước có lăng quăng; tư vấn vãng gia tại hộ gia đình để người dân chuyển đổi hành vi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXHD.

Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Theo dự báo của ngành y tế, tình hình bệnh SXHD còn diễn biến phức tạp, với thời tiết có mưa, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, số ca mắc còn tăng. Bệnh SXHD không chỉ có trẻ em mà còn có cả người lớn. Do đó, mỗi gia đình cần chủ động dành một buổi hàng tuần để đổ nước bình bông, xúc lu, thả cá ăn lăng quăng, cho trẻ em ngủ mùng kể cả ban ngày, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở thông thoáng để phòng bệnh SXHD”.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/day-manh-cac-bien-phap-phong-benh-sot-xuat-huyet-dengue-107864.aspx