Đẩy mạnh các giải pháp điều trị nghiện ma túy

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, trong năm 2019 tình hình người nghiện ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, số người nghiện ngoài cộng đồng còn nhiều, tỷ lệ người tái nghiện còn cao...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp gặp gỡ, động viên các học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (huyện Xuân Lộc) cố gắng điều trị, sớm trở về hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thành Nhân

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp gặp gỡ, động viên các học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (huyện Xuân Lộc) cố gắng điều trị, sớm trở về hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thành Nhân

Thời gian qua, các cấp chính quyền, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch để kéo giảm số người nghiện ma túy trên địa bàn.

* Đa dạng các hình thức cai nghiện

Trong năm 2019, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) đã điều trị nghiện cho 747 người nghiện. Tỉnh cũng đang triển khai xây mới Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) có quy mô cai nghiện cho 1 ngàn học viên nhằm giảm tải cho cơ sở điều trị nghiện hiện tại cũng như tạo điều kiện cho học viên có nơi điều trị bệnh rộng rãi, thoải mái. Qua đó giúp công tác quản lý học viên được đảm bảo, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong 11 tháng của năm 2019, tổng số người nghiện trên địa bàn tỉnh đang quản lý là gần 4,5 ngàn người, trong đó số người nghiện tại cộng đồng chiếm hơn 3,2 ngàn người.

Bên cạnh đó, Đồng Nai tiếp tục mở rộng các cơ sở điều trị nghiện bằng methadone. Hiện toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị nghiện bằng methadone tại TP.Biên Hòa (2 cơ sở), TP.Long Khánh, các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở này là hơn 1,2 ngàn người.

Đặc biệt trong năm 2019, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã đưa các cơ sở điều trị nghiện tại cộng đồng vào hoạt động tại các địa phương trong tỉnh nhằm giúp người nghiện có điều kiện cai nghiện ma túy gần nhà, vẫn có thể lao động, làm việc bình thường. Đây là một trong những điểm mới nổi bật trong công tác cai nghiện ma túy trong năm 2019.

Hiện Cơ sở điều trị cai nghiện tại cộng đồng huyện Định Quán là đơn vị đi đầu và duy nhất trong tỉnh đưa được 4 người nghiện ma túy vào điều trị. Sau 15 ngày cắt cơn, giải độc, giữa tháng 12 này, 4 người nghiện hoàn thành phác đồ điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Lộc, phụ trách chuyên môn tại Cơ sở điều trị cai nghiện tại cộng đồng huyện Định Quán, người nghiện sau khi hoàn thành phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc tại cơ sở đã có sức khỏe tốt hơn và không còn lên cơn nghiện.

Anh V.V.C. (ngụ xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cho biết, bản thân anh nghiện ma túy khoảng 4 năm và dù đã tìm nhiều cách để cai nghiện nhưng không thành công. Nhờ ở địa phương triển khai chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng nên anh vừa tham gia điều trị cắt cơn nghiện vừa đi làm bình thường. Việc được ở nhà, gần gũi người thân trong gia đình, được mọi người động viên, khích lệ đã góp phần giúp anh đủ ý chí cai nghiện ma túy. Sau lần này, anh sẽ đi làm ăn xa để tránh gặp gỡ bạn bè xấu, lôi kéo trở lại con đường nghiện ngập.

* Quan tâm khắc phục tồn tại, hạn chế của công tác cai nghiện

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, trong năm 2019, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức cai nghiện cho hơn 1,5 ngàn người/gần 900 người (đạt gần 170% kế hoạch đề ra).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Hòa, một trong những hạn chế trong công tác cai nghiện hiện nay là số người nghiện tại cộng đồng còn nhiều và có xu hướng tăng theo từng năm. Nguyên nhân là do hiệu quả công tác tuyên truyền đến với đối tượng đích như: nhóm thanh niên bỏ học, không có việc làm, tụ tập lêu lỏng; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… chưa cao; công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa chặt chẽ; gia đình và cộng đồng còn thiếu sự quan tâm hỗ trợ cho người nghiện...

Mặt khác, công tác điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã được triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể như: thiếu đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành (do các y, bác sĩ đều làm công tác kiêm nhiệm và khi làm việc tại cơ sở không có thêm bất kỳ chế độ nào); thời gian cai nghiện chỉ 15 ngày là quá ngắn và việc quản lý sau cai còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Quốc Lộc, phụ trách chuyên môn tại Cơ sở điều trị cai nghiện tại cộng đồng huyện Định Quán, thời gian tới, công tác cắt cơn, giải độc tại cơ sở phải được kéo dài ít nhất 1 tháng thì người nghiện mới hết hội chứng cai; phải có hướng dẫn cụ thể về điều trị củng cố cho người nghiện sau khi trả họ về cộng đồng và nhất là mở các lớp tập huấn dài ngày (ít nhất 2 tháng) cho đội ngũ y, bác sĩ làm công tác điều trị nghiện tại cơ sở và phải có chế độ công tác cho lực lượng này.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Xuân Hòa, hiện nay việc hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy sau điều trị nghiện tuy có làm nhưng chưa nhiều, kết quả chưa vững chắc nên tỷ lệ tái nghiện còn cao. Đồng thời, công tác đào tạo nghề cho đối tượng nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thực hiện được do các đối tượng ít có nhu cầu hoặc không có nhu cầu. Đây là những vấn đề mà chính quyền các cấp, ngành chức năng cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cai nghiện, góp phần kéo giảm số người nghiện ma túy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201912/day-manh-cac-giai-phap-dieu-tri-nghien-ma-tuy-2980177/