Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát xuất nhập cảnh

Là lực lượng nòng cốt, làm nhiệm vụ chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới quốc gia (BGQG) và quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) theo quy định của pháp luật, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Đặc biệt, BĐBP đã triển khai nhiều giải pháp mang tính cơ bản, đồng bộ, chặt chẽ về an ninh, quốc phòng, linh hoạt trong cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đơn giản hóa thủ tục biên phòng ở cửa khẩu, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, BĐBP được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát XNC tại 238 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền, đường sắt và cửa khẩu cảng biển, sân bay. Trong suốt 60 năm qua, BĐBP đã thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên, hệ thống dấu hiệu mốc giới; chuyên trách quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC tại các cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu cảng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và đang phát huy hiệu quả tích cực. Quán triệt các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh BGQG, duy trì tốt an ninh trật tự (ANTT) trên khu vực biên giới, cửa khẩu.

Quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác CCTTHC theo Đề án 30 của Chính phủ, Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo cơ quan chức năng và biên phòng các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ loại bỏ các thủ tục quy định về lĩnh vực XNC không còn phù hợp làm ảnh hưởng đến hoạt động XNC. Đồng thời có nhiều cải cách về quy trình kiểm soát XNC tại cửa khẩu; đổi mới tác phong làm việc, giảm các loại giấy tờ không cần thiết, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo trong lĩnh vực kiểm soát XNC, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch thủ tục hành chính. Kết quả, đã bãi bỏ tờ khai XNC trên tuyến cửa khẩu đường bộ, rút ngắn thời gian làm thủ tục XNC; trên tuyến cửa khẩu cảng đã bãi bỏ được 15 thủ tục hành chính không còn phù hợp; giảm tới 45,5% các loại giấy tờ mà người làm thủ tục phải nộp so với thời điểm năm 2002. Cùng với vấn đề trên, Bộ tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục biên phòng và chế độ thu, nộp các loại phí, lệ phí XNC ở cửa khẩu, bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và nắm bắt tất cả thông tin liên quan đến thủ tục biên phòng, các quy định của pháp luật về XNC.

Bộ tư lệnh BĐBP đã chủ động, tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng, báo cáo đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về qua lại biên giới XNC, xuất nhập khẩu. Trọng tâm là triển khai thực hiện mô hình kiểm soát “Một cửa, một điểm dừng” theo hiệp định về tạo thuận lợi cho việc vận chuyển người, hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS). Như vậy, người, phương tiện XNC và hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường phải dừng chờ làm thủ tục hai lần (tại nước xuất và nước nhập), nay chỉ phải dừng làm thủ tục một lần tại cửa khẩu của nước nhập. Trước đây, thời gian làm thủ tục cho một hành khách khoảng 5-7 phút, nay giảm xuống còn 1-2 phút; đối với phương tiện vận tải, trước đây làm thủ tục hết hai giờ, nay chỉ còn 10 phút.

Đối với tuyến cửa khẩu cảng, BĐBP đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg về thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, kết nối cổng thông tin biên phòng điện tử cảng biển với cổng thông tin điện tử quốc gia. Từ đó, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập, đăng ký làm thủ tục biên phòng XNC đối với phương tiện tại bất kỳ nơi nào có kết nối internet, với thời gian 24/24 giờ. Việc khai báo thủ tục qua mạng đã giúp hành khách có thể lên bờ ngay sau khi tàu cập cảng an toàn, vì khâu tiếp nhận thông tin, kiểm tra, đối chiếu và làm thủ tục XNC đã được BĐBP cửa khẩu hoàn thành trong thời gian trước khi tàu cập cảng. Đến ngày 1-7-2018, BĐBP đã triển khai chính thức mở rộng kết nối Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử với Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện 11 thủ tục biên phòng điện tử tại tất cả các cửa khẩu cảng theo đúng kế hoạch của Chính phủ.

Cùng với việc tích cực CCTTHC, BĐBP đã đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng CNTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát XNC; nghiên cứu áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào kiểm tra, kiểm soát XNC, nổi bật như đang triển khai hệ thống kiểm soát tự động hóa tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). Hệ thống được tích hợp những công nghệ hiện đại như nhận dạng sinh trắc học (vân tay, hình ảnh), tự động hóa các bước trong quy trình thực hiện thủ tục XNC. Bên cạnh đó, các đơn vị cửa khẩu cũng đang triển khai quy trình kiểm soát thông qua hệ thống kiểm soát bằng mã vạch để kiểm soát công dân XNC vùng biên giới bằng giấy thông hành, trước mắt áp dụng đối với các cửa khẩu biên giới đường bộ có lưu lượng người XNC lớn, như: Móng Cái, Tân Thanh, Hữu Nghị, Lào Cai, Lao Bảo, Mộc Bài. Với việc áp dụng công nghệ kiểm tra, kiểm soát bằng mã vạch như trên, thời gian làm thủ tục cho một hành khách chỉ còn 5-7 giây. Hiện nay, BĐBP đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu áp dụng việc dán mã vạch đối với giấy thông hành XNC vùng biên giới ở tất cả các cửa khẩu biên giới đường bộ trên cả nước.

Xác định các phương tiện kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong khâu cải tiến quy trình thủ tục biên phòng và hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ biên phòng ở cửa khẩu, Bộ tư lệnh BĐBP đã nghiên cứu xây dựng các dự án và đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, kết hợp ứng dụng CNTT trong kiểm tra, kiểm soát XNC tại cửa khẩu, nhất là dự án từ nguồn kinh phí đặc biệt của Bộ Quốc phòng, dự án nâng cao năng lực công tác kiểm tra, kiểm soát XNC của BĐBP, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế... Qua đó đã từng bước đầu tư cho các đơn vị cửa khẩu với nhiều loại trang bị hiện đại, như: Máy tính, máy kiểm tra hộ chiếu, máy phát hiện ma túy, máy rà kim loại, cổng từ, phương tiện ô tô chuyên dụng kiểm soát cơ động và hệ thống camera giám sát tự động. Đặc biệt, toàn quốc đã có 5 trung tâm giám định hộ chiếu, giấy tờ giả đặt tại các cửa khẩu quốc tế: Hữu Nghị, Cầu Treo, Lao Bảo, Mộc Bài và cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Hiện nay, tất cả các cửa khẩu quốc tế đường bộ, cảng biển đều đã kết nối đường truyền với Trung tâm chỉ huy XNC, Cục Cửa khẩu và giữa Cục Cửa khẩu, Bộ tư lệnh BĐBP với Cục Quản lý XNC, Bộ Công an.

Những CCTTHC quan trọng nêu trên đã tạo bước tiến mới thực sự trong hoạt động XNC với quy trình đơn giản, ứng dụng phần mềm dễ sử dụng với các tính năng thuận tiện. Việc khai báo thủ tục biên phòng điện tử cảng biển thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xếp, dỡ hàng hóa tại cảng biển, nhận được đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, các đại lý hàng hải trong và ngoài nước. Vì vậy đã thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ về công tác kiểm soát an ninh đối với người và phương tiện XNC qua cửa khẩu.

Có được thành quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của lực lượng BĐBP, trong đó có vai trò chủ chốt của lực lượng cửa khẩu. Trưởng thành từ Phòng Cửa khẩu và Giới tuyến được thành lập ngày 1-9-1971, đến Cục Cửa khẩu được thành lập ngày 4-3-2009; cùng với sự phát triển của lực lượng BĐBP trong suốt những năm qua, nhiệm vụ công tác cửa khẩu luôn là một phần quan trọng, đóng góp vào bảng vàng truyền thống hai lần Anh hùng của lực lượng BĐBP Việt Nam.

Những năm tới, hệ thống cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như quy mô, lưu lượng người và phương tiện XNC ngày càng lớn, đa dạng về quốc tịch. Các loại tội phạm mới xuất hiện ngày càng nhiều, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT khu vực biên giới, cửa khẩu.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng lực lượng BĐBP và 10 năm xây dựng, phát triển của Cục Cửa khẩu, để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCTTHC theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa thủ tục XNC qua cửa khẩu, lực lượng cửa khẩu BĐBP tập trung thực hiện tốt một số nội dung, như:

Quán triệt nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy các cấp, đặc biệt là Nghị quyết chuyên đề số 84-NQ/ĐU ngày 7-3-2011 của Đảng ủy BĐBP về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu trong tình hình mới. Tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đổi mới toàn diện các mặt công tác cửa khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tự động hóa công tác kiểm tra, kiểm soát XNC trên nền cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC, đi đôi với đào tạo, đào tạo lại, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác cửa khẩu có phẩm chất đạo đức tốt, tri thức toàn diện, có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm, kiến thức địch tình cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC.

Tiếp tục đẩy mạnh CCTTHC, tập trung nguồn nhân lực hoàn thành các dự án trọng điểm đầu tư trang bị kỹ thuật, gắn với ứng dụng CNTT vào công tác kiểm soát XNC. Đây vừa là yêu cầu mang tính cấp thiết, vừa là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xu thế hội nhập quốc tế. Đồng thời là tiền đề quan trọng giúp cho việc nghiên cứu cải tiến quy trình thủ tục biên phòng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường hiệu quả kiểm soát từ xa, hoàn thiện thủ tục từ xa, hạn chế kiểm tra, kiểm soát nhiều lần đối với đối tượng lưu thông biên giới.

Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng của các bộ, ban, ngành; rà soát bổ sung, hoàn hiện quy chế phối hợp hiệp đồng, hạn chế những nội dung bất cập, thiếu thống nhất, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến công tác kiểm soát XNC và phòng, chống tội phạm… Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ về trang bị kỹ thuật tiên tiến, bồi dưỡng đào tạo lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát XNC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trung tướng HOÀNG XUÂN CHIẾN

Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/day-manh-cai-cach-hanh-chinh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-kiem-soat-xuat-nhap-canh-566642