Đẩy mạnh cải thiện quản trị rừng để tăng hiệu quả giảm nghèo tại Việt Nam

Hội thảo tổng kết dự án 'Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam'(PFG-Việt Nam) do ActionAid Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/10 nhằm tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện dự án tại các địa bàn.

Hội thảo tổng kết dự án “Khuyến khích người dân tham gia cải thiện quản trị rừng và giảm nghèo Việt Nam”(PFG-Việt Nam).

Hội thảo đã thu hút được hơn 80 đại biểu đến từ Bộ NN&PTNT, các Viện nghiên cứu, chủ rừng nhà nước/cộng đồng/hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Hiệu quả thiết thực tới cộng đồng địa phương

Qua gần bốn năm thực hiện, đến nay dự án PFG góp phần tạo nên những thay đổi, tác động tích cực đến cộng đồng địa phương như: Nâng cao năng lực cho cộng đồng sử dụng thông tin từ hệ thống FOMIS và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng và kết nối thị trường; Phát triển mô hình tổ nhóm, hợp tác xã trồng rừng, trong đó khuyến khích cộng đồng liên kết trồng rừng tập trung, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đủ lớn; Phát triển sinh kế và cải thiện môi trường thông qua mô hình trồng rừng và cây dược liệu trên diện tích đất đã từng trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp lâu năm khiến đất bị thoái hóa.

Là người tham gia và trực tiếp hưởng lợi từ dự án, bà Phạm Thị Hà, thành viên nhóm nòng cốt xã Cư Kty cho biết bằng những hỗ trợ đúng hướng, tích cực tìm tòi và kết nối, sát sao với cộng đồng địa phương. ”Dự án cũng như ban quản lý ở địa phương đã giúp cho cộng đồng xã Cư Kty phát triển được gần 200ha rừng trồng, hỗ trợ để nhóm quản trị rừng có thể thành lập Tổ hợp tác và sau này là Hợp tác xã, giúp Hợp tác xã kết nối với các doanh nghiệp/hiệp hội hỗ, hội chủ rừng, giúp người dân địa phương có được nhiều thông tin, kiến thức, tự tin và chủ động thực hiện những mục tiêu, ước mơ trong việc xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, bà Hà chia sẻ.

Đại diện Đại sứ quán Phần Lan, đơn vị hỗ trợ cho dự án, bà Annika Kaipola cho biết Phần Lan hỗ trợ Bộ NN&PTNT xây dựng hệ thống FORMIS để giúp quá trình quản lý và ra quyết định của ngành lâm nghiệp được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó thông qua AAV để triển khai dự án PFG với mục đích khuyến khích cộng đồng tiếp cận và tham gia vào hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp quốc gia, qua đó giúp họ tham gia chủ động vào quá trình quản trị rừng và xây dựng các mô hình sinh kế dựa vào rừng tại địa phương.

.

Bà Kaipola đánh giá cao những thành quả tích cực mà dự án đã mang lại trong việc cải thiện hiệu quả quản trị rừng thông qua việc khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động này, đặc biệt việc sử dụng thành thạo thông tin đã giúp họ có thể chủ động lập kế hoạch phát triển rừng, bảo vệ rừng, từ đem lại nhiều thay đổi tích cực cho cộng đồng địa phương, cải thiện sinh kế và chất lượng đời sống người dân tại các vùng miến núi vùng sâu vùng xa.

Nhiều ý tưởng mới và khuyến nghị đã được đề xuất để duy trì cũng như nhân rộng thành quả của dự án tại các địa phương. Theo Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam, để cộng đồng tiếp cận CNTT trong quản trị rừng và phát triển sinh kế ở địa phương đặc biệt đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, cần những phương pháp tiếp cận mới lấy con người làm trung tâm, đề cao quyền con người. Những cán bộ dự án ở các cấp đã rất nỗ lực, tận tâm cùng với địa phương, cùng với người dân giúp họ từng bước thay đổi nhận thức, kỹ năng qua đó giúp họ cải thiện cách thức sản xuất, chủ động và mạnh dạn tiếp cận với các nguồn lực ở địa phương, tìm hiểu thông tin để phát triển sinh kế.

Ông Lê Khắc Côi, Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng cần tạo thêm giá trị gia tăng cho người dân trên nền tảng những thành quả kế thừa từ dự án, khuyến khích họ chủ động phát huy những kết quả đã có để tiếp tục nhân rộng mô hình, không chỉ giảm nghèo mà phấn đấu làm giàu cho gia đình và cho cộng đồng, xã hội. ”Các nhóm cộng đồng, HTX nên chủ động tìm giải pháp gia tăng giá trị các sản phẩm từ các mô hình trồng cây, trồng rừng lấy gỗ, đồng thời phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp để kết nối tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân tham gia chuỗi cung ứng và giá trị trong nước, khu vực và thế giới. Ví dụ với trồng rừng khai thác gỗ thì nên làm thành sản phẩm gỗ sơ chế tại chỗ như gỗ xẻ vừa tăng được giá trị sản phẩm vừa giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng, từ đó dễ dàng kết nối để tìm kiếm thị trường và khách hàng”, ông Côi gợi mở.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Lê Huy Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định khuyến nghị nên hỗ trợ người nông dân tìm hiểu thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các tiêu chuẩn của thị trường để từ đó có thể hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng, chứng chỉ nhằm mở rộng đầu ra, đưa sản phẩm gỗ đến được các thị trường tiềm năng trên thế giới.

Tiếp tục nhân rộng mô hình điển hình

Với các thành quả tích cực đã đạt được, dự án PFG sẽ tiếp tục được được bàn giao lại cho đối tác địa phương trong tháng 10/2018 nhằm nhân rộng những bài học thành công của dự án PFG trên phạm vi toàn quốc, góp phần tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản trị rừng và giảm nghèo tại Việt Nam.

Dù mới chỉ là bước khởi đầu thực hiện tại 5 tỉnh thành, song ông Tapio Leppanen, Cố vấn trưởng Dự án FORMIS cho rằng cơ hội mà hệ thống quản trị từ dự án FORMIS đem lại khi áp dụng mở rộng là rất lớn. ”Với một nền tảng công nghệ hoàn chỉnh sẽ giúp quản lý cơ sở dữ liệu tại Hà Nội và chia sẻ những thông tin trên hệ thống với mọi người dân các tỉnh khác trên cả nước. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy và hỗ trợ việc giao tiếp và quản lý trở nên dễ dàng hơn, từ đó tăng năng suất và tính hiệu quả hoạt động quản trị”, ông Tapio nhấn mạnh và cho rằng với những lợi thế này, Hệ thống FORMIS có thể thay đổi diện mạo ngành lâm nghiệp, mang những thông tin mới và được cập nhật thường xuyên tới cộng đồng địa phương. Ở cấp cơ sở người dân địa phương có thể hưởng lợi từ dự án, tăng thêm thu nhập, tham gia vào chuỗi giá trị với chi phí tương đối thấp hoặc không hề mất phí nhờ có phần mềm này.

Tuy nhiên vẫn có những vấn đề phát sinh cần giải quyết, đó là hệ thống dữ liệu trung tâm khá phức tạp đòi hỏi phải liên tục đầu tư và bảo trì mặc dù công nghệ này làm cho việc quản lý thông tin tổng thể ít tốn kém hơn. Để hỗ trợ việc tiếp nối các thành quả của dự án, ông Tapio khẳng định tới đây dự án sẽ được mở rộng thêm với việc đưa phần mềm Công nghệ áp dụng tới mọi người dân trên khắp các tỉnh thành.

Về phần mình, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto khẳng định tuy dự án PFG Việt Nam đã đi đến hồi kết, song trong tương lai Bộ ngoại giao Phần Lan sẽ tiếp tục có những kế hoạch hợp tác thông qua các kênh khác nhau để hỗ trợ nhân rộng các kết quả tích cực của dự án tới các địa phương, giúp cải thiện đời sống người dân nhiều khu vực khác. ”Việc hợp tác và phát triển trực tiếp kết thúc trong năm nay bởi Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và hiện đang nằm trong nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn tham gia và hợp tác với Việt Nam theo nhiều cách khác như qua các trường đại học, các doanh nghiệp tư nhân để tiếp nối các thành quả này”, Đại sứ khẳng định. Ông cũng nhấn mạnh Phần Lan sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam để tìm ra những phương pháp hợp tác bình đẳng trên phương diện khoa học kỹ thuật, kinh tế để đạt được lợi ích chung cho cả hai nước.

Chia sẻ kinh nghiệm của chính phủ Phần Lan trong việc quản trị rừng tốt, mang lại chất lượng cuộc cống cao hơn cho người dân, đại sứ Phần Lan cho biết ngoài một hệ thống quản lý thông tin tốt, còn cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. ”Việc quản trị rừng là một câu chuyện dài không thể xong làm một sớm một chiều. Ví dụ như ở Việt Nam, thời gian cho cây mọc và phát triển mất 10-15 năm thì ở Phần Lan phải mất đến 70 năm. Vì vậy, tuy rừng không mang lại nguồn thu nhập tức thì nhanh chóng, tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng rừng sẽ mang lại trong nguồn thu và sự thịnh vượng về lâu dài cho người dân Việt Nam như cách nó đã mang lại cho người dân Phần Lan”, vị Đại sứ chia sẻ.

Dự án PFG do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Tổ chức ActionAid Việt Nam phối hợp tài trợ triển khai từ tháng 11/2014 tới tháng 10/2018 tại 4 tỉnh Cao Bằng, Đăk Lăk, Trà Vinh và Bạc Liêu. Dự án nhằm khuyến khích mọi người tham gia quản trị rừng nhằm mục đích tạo ra một không gian lâm nghiệp mở và tương tác, góp phần tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào hệ thống quản lý thông tin lâm nghiệp quốc gia, qua đó nâng cao trách nhiệm giải trình trong quản trị rừng và góp phần giảm nghèo tại Việt Nam. Dự án PFG hợp tác với Dự án Phát triển Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) đã được triển khai trước đó và cũng do Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ. Số liệu từ hệ thống này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch của thông tin lâm nghiệp để cộng đồng địa phương có thể phát hiện và ngăn ngừa những sai sót trong quản lý rừng cũng như những tham nhũng liên quan đến tài nguyên rừng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/day-manh-cai-thien-quan-tri-rung-de-tang-hieu-qua-giam-ngheo-tai-viet-nam-d90080.html