Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 924/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất, tham mưu UBND tỉnh để triển khai thực hiện. Đến quý III/2022, chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Đến cuối tháng 9/2022, tỉnh An Giang có 89/116 xã đạt tiêu chí 8 về thông tin và truyền thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia xã NTM, đạt tỷ lệ 76,72%. Về phát triển hạ tầng số, toàn tỉnh hiện có 129 điểm bưu điện văn hóa xã trên tổng số 116 xã, trong đó, 113 điểm đang hoạt động. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước.

Về phát triển Chính phủ số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đã cung cấp 2.068 dịch vụ hành chính công (toàn bộ số thủ tục hành chính của tỉnh). Trong đó, dịch vụ công mức độ 3 là 517 dịch vụ, dịch vụ công mức độ 4 là 943 dịch vụ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 99%. Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận 513.808 hồ sơ. Số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 213.163 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 41,5%. Hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành được triển khai từ năm 2010 cho các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc, 11 UBND huyện, thị xã, thành phố và 156 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số đã góp phần thay đổi cách giao dịch hàng hóa nông sản. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp các doanh nghiệp tập huấn, hỗ trợ cho hộ nông dân đưa lên sàn thương mại điện tử: Postsmart (bưu điện) và Voso (Viettel), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 664 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung ương phân bổ cho địa phương, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn qua các năm.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, cùng với cả nước, An Giang tiếp tục triển khai Quyết định 924/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 925/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM.

Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM với chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 90% hồ sơ công việc cấp Trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với chỉ tiêu ít nhất 70% xã có hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số…

Mục tiêu của chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch trong xây dựng NTM nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Ở quy mô quốc gia, phấn đấu đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.

Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp. Về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, phấn đấu 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh nông - lâm - thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm…

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/day-manh-chuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-a346703.html