Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đối với sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh hiện đạt 64,4%; đối với cây ngô và các loại cây trồng khác là 44,6%; tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch ngô và lúa trung bình đạt khoảng 75%... Nguyên nhân khiến tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất còn thấp là do một số địa phương vùng cao có địa hình dốc, diện tích ruộng bậc thang nhỏ hẹp, gây khó khăn trong áp dụng cơ giới hóa.

Ngày càng có nhiều máy móc xuất hiện trên những cánh đồng.

Văn Bàn là một trong những huyện tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đạt khoảng 60%. Huyện hiện có hơn 9.200 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 13 máy kéo công suất trên 35 CV (mã lực), 372 máy kéo công suất 12 - 35 CV, 1.445 máy kéo công suất dưới 12 CV và hơn 7.400 máy tuốt lúa, chế biến lương thực, máy cưa trong khai thác gỗ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, bơm nước, chế biến thức ăn gia súc…

Xuất phát từ nguyện vọng của người dân, năm 2019, UBND xã Làng Giàng (Văn Bàn) đã sử dụng ngân sách từ Chương trình 135 để đầu tư 1 máy làm đất đa năng trị giá 270 triệu đồng (200 triệu đồng từ ngân sách, 70 triệu đồng do các hộ tự nguyện đóng góp) hỗ trợ 15 hộ nghèo ở thôn Hô Phai để phục vụ khâu làm đất cho cả 3 vụ sản xuất trong năm. Ông Hà Tiến Sự, Chủ tịch UBND xã Làng Giàng cho biết: Năm 2020, UBND xã tiếp tục dùng nguồn vốn này hỗ trợ 15 hộ ở thôn An mua máy làm đất. Việc người dân tự nguyện đóng góp một phần kinh phí sẽ giúp các hộ có ý thức hơn trong bảo vệ và sử dụng máy.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Trên các cánh đồng của huyện Văn Bàn ngày càng xuất hiện nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Ngoài máy kéo, máy làm đất đa năng được một số cá nhân đầu tư làm đất thuê và từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, người dân còn đầu tư các loại máy chạy bằng động cơ diezen… phục vụ sản xuất. Việc nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí và nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Sử dụng máy trong thu hoạch lúa.

Là huyện vùng cao nhưng Bắc Hà lại có số lượng máy móc sản xuất nông nghiệp cao nhất tỉnh với 14.508 chiếc, chủ yếu là máy kéo công suất từ 12 CV trở xuống (1.227 chiếc), máy tuốt lúa có động cơ (3.383 chiếc), máy chế biến lương thực (1.595 chiếc), máy chế biến thức ăn thô (3.981 chiếc) và máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ (8.005 chiếc)… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, đa số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Hà do người dân tự đầu tư với trị giá khoảng 10 - 20 triệu đồng/chiếc. Do đặc thù địa hình dốc, hiểm trở, diện tích các thửa đất, ruộng nhỏ nên người dân thường sử dụng các loại máy nhỏ, trọng lượng nhẹ, dễ vận chuyển.

Đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Lào Cai là tỉnh vùng núi, địa hình hiểm trở, các vùng trồng trọt, chăn nuôi có diện tích nhỏ hoặc bậc thang… nên khó sử dụng máy móc cỡ lớn. Nhiều hộ vẫn làm theo phương pháp thủ công dẫn đến tổn thất trong và sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp vẫn hạn chế; thời gian làm hồ sơ, thủ tục vay vốn còn dài, chính sách ưu đãi ít nên người dân không vay ngân hàng để mua máy móc, thiết bị…

Để đạt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu làm đất đạt 70%, vận chuyển đạt 80%, thu hoạch đạt 50%, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện cho nông dân vay vốn mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ với lãi suất thấp; khuyến khích các cá nhân, tổ chức và các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, sửa chữa các loại máy móc, dây chuyền chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường đào tạo về cơ khí hóa nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến nông sản…

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/day-manh-co-gioi-hoa-trong-nong-nghiep-z3n20200322084803986.htm