Đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 2.500 chung cư cũ (CCC). Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm phần lớn số lượng CCC xuống cấp, cần được cải tạo, thậm chí nhiều tòa nhà đang ở cấp độ nguy hiểm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có khoảng 2.500 chung cư cũ (CCC). Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm phần lớn số lượng CCC xuống cấp, cần được cải tạo, thậm chí nhiều tòa nhà đang ở cấp độ nguy hiểm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Các CCC hầu hết tập trung tại các quận nội thành, vị trí khá thuận lợi, đều được xây dựng trước năm 1990. Trong quá trình sử dụng, phần lớn các hộ gia đình đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, sân chung, dẫn tới tăng mật độ dân số, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống không bảo đảm, bộ mặt đô thị “nhếch nhác”. Tuy nhiên, công tác cải tạo CCC hiện nay không đạt như kỳ vọng và gặp rất nhiều vướng mắc, khiến tiến độ gần như “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm qua.

Thực tế triển khai cải tạo CCC đã phát sinh rất nhiều vướng mắc, khó khăn không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Trong đó, nút thắt lớn và “dai dẳng” nhất là không bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Khi doanh nghiệp tham gia cải tạo CCC bị hạn chế theo quy hoạch về chiều cao, diện tích, dân số ở khu vực đó. Và nếu lập dự án theo các chỉ tiêu đó thì không đạt mục tiêu lợi nhuận và đương nhiên các doanh nghiệp đều không mặn mà. Đồng thời, thiếu sự đồng thuận của người dân trong công tác di dời, giải phóng mặt bằng, tạm cư, tái định cư, nhất là các hộ dân ở tầng 1 có nhiều lợi ích kinh tế.

Theo khách quan, lý do người dân chậm hoặc chây ỳ chuyển sang các khu tạm cư cũng là bởi các khu nhà ở này kết cấu hạ tầng còn thiếu, giao thông không thuận tiện, chất lượng xây dựng kém, trong khi dự án cải tạo các CCC chưa biết bao giờ mới hoàn thành... Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy, một số địa phương đã tích cực, quan tâm chỉ đạo thực hiện cho nên đã đạt được kết quả nhất định. Còn lại, hầu hết các địa phương việc cải tạo còn chậm, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân vẫn đang phải sinh sống trong các khu nhà hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn.

Mặc dù, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách về cải tạo CCC, nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc thu hút nguồn lực xã hội vừa bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, đồng thời phải tuân thủ các quy định pháp luật luôn là một bài toán rất khó.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà CCC đã được xác định thuộc diện nguy hiểm (cấp D), các địa phương cần tổ chức di dời và bố trí tạm cư, bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của các hộ dân. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn theo nội dung, yêu cầu của Bộ Xây dựng. Báo cáo cụ thể tình hình thực hiện Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn, trong đó rà soát số lượng nhà chung cư cần phải phá dỡ, xây dựng lại; còn sử dụng được, nhưng cần sửa chữa, gia cố, gia cường lại...

Về lâu dài, cần bổ sung, hoàn thiện các chính sách về cải tạo CCC theo hướng Nhà nước đóng vai trò chính trong việc điều phối để di dời, tái định cư các hộ dân với quỹ nhà dùng để tái định cư đã có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, giao thông kết nối thuận tiện với khu vực chung quanh; hoặc sử dụng quỹ nhà ở xã hội để tái định cư. Đồng thời, tiến hành đấu giá đất, dự án tại vị trí cũ để bù đắp chi phí, cũng như có quy định cụ thể và linh hoạt hơn để tăng chiều cao, dân số các dự án cải tạo CCC sao cho phù hợp... Bộ Xây dựng cần phối hợp các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù theo hướng không chỉ tập trung tại chung cư đó mà còn cải tạo chung quanh để tạo thành khu đô thị phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo lợi nhuận để nhà đầu tư tham gia tích cực hơn.

MINH THÀNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40890102-day-manh-cong-tac-cai-tao-chung-cu-cu.html