Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng

Trong năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm, tập trung giải quyết các vụ việc về tham nhũng, kinh tế, qua đó, góp phần phòng ngừa tiêu cực, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho cá nhân, tổ chức.

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian qua toàn ngành Kiểm sát đã quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn ngành đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án (tăng 64%) so với nhiệm kỳ trước. Viện Kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án (tăng 7,2%); trực tiếp hủy 702 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án (tăng 13,4%), góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Cùng với đó, Viện Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đúng tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc; tăng cường công tác phối hợp nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: VKSNDTC)

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (Ảnh: VKSNDTC)

Trong nhiệm kỳ, toàn ngành Kiểm sát cũng quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, ngành đã Kiểm sát trong giai đoạn truy tố 1.392 vụ/3.363 bị can, giải quyết 1.306 vụ/3.093 bị can, đạt tỷ lệ 93,8%. Kiểm sát xét xử 1.145 vụ/2.600 bị cáo, trong đó, án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo là 77 vụ/735 bị can, đã giải quyết 73 vụ/704 bị can; tỷ lệ truy tố đạt 94,8%.

Đặc biệt, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nỗ lực, khẩn trương xem xét truy tố nhiều vụ án chỉ trong thời gian từ 5-7 ngày sau khi kết thúc điều tra, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh chống tham nhũng. Trong đó, có nhiều vụ liên quan cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với mức án đã xét xử rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cùng với việc truy tố, các vụ án, ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng bỏ trốn, chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản; trực tiếp ban hành lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố hoặc kiến nghị Hội đồng xét xử thu hồi tài sản cho Nhà nước. Nhiều vụ án thể hiện rõ vai trò, sự quyết liệt của Viện Kiểm sát nhân dân trong công tác thu hồi tài sản.

Kết quả, đã thu hồi gần 80.000 tỷ đồng; kê biên hơn một triệu m2 đất, 77 bất động sản và gần 800.000 m3 gỗ...

M.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-cong-tac-phat-hien-xu-ly-cac-vu-an-tham-nhung-117407.html