Đẩy mạnh công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Sen - ThS. BS. PHẠM TRỌNG THUẬT chia sẻ về những kết quả đã đạt được khi thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật.

- Thưa ông, trong những năm gần đây, Bộ Y tế (do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối) đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật tại các tỉnh. Bệnh viện phục hồi chức năng Hương Senlà một trong những bệnh viện tại tỉnh Tuyên Quang đi đầu trong hoạt động này. Vậy, quá trình triển khai đã đạt được những kết quả như thế nào?

- Nhờ làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế, bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã bước đầu xây dựng được một hệ thống mạng lưới cán bộ phụ trách chương trình phục hồi chức năng từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở.Tính đến thời điểm hiện tại, 138/138 xã, phường được khám chuyên khoa, phân loại dạng khuyết tật và xác định được nhu cầu cần hỗ trợ của người khuyết tật dựa trên kết quả điều tra sàng lọc giai đoạn 2009 - 2012.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh Tuyên Quang về triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số, sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho tỉnh và sự hỗ trợ trực tiếp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cùng với sự tâm huyết, quyết liệt triển khai công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, đến nay, tổng số người khuyết tật được quản lý tại cộng đồng ở 138 xã/phường là 45.000 người; tổng số người khuyết tật có nhu cầu cần hỗ trợ là 22.500 người, chiếm 50% người nghi ngờ khuyết tật có nhu cầu phục hồi. Các xã đã khám chuyên khoa tổng hợp những người khuyết tật có nhu cầu cần hỗ trợ ở các nhóm khuyết tật để xây dựng kế hoạch trợ giúp trong những năm tiếp theo. 100% các Trạm Y tế xã có sổ quản lý theo dõi tình hình người khuyết tật, có phiếu thông tin người khuyết tật theo mẫu chung của Bộ Y tế, các xã được phát bộ tài liệu hướng dẫn về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của Bộ Y tế (bộ tài liệu gồm 20 quyển).

Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức đào tạo, cập nhật lại kiến thức cho các nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế xã, huyện phụ trách chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng về cách phát hiện sớm, can thiệp sớm người khuyết tật, trong đó lựa chọn một số chuyên đề cơ bản như: bại não, liệt ½ người, rối loạn phổ tự kỷ, cong vẹo cột sống… mỗi năm tập huấn cho từ 2 - 3 huyện. Thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn này đã giúp các học viên bổ sung thêm kiến thức để phát hiện cũng như tư vấn chuyển tuyến bệnh nhân cho phù hợp.

Công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm cho người khuyết tật, từng bước xã hội hóa công tác phục hồi chức năng và giúp người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, ông cho biết về những thuận lợi, khó khăn mà phía bệnh viện đang gặp phải?

- Mặc dù Tuyên Quang là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng được Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm, tạo điều kiện thực hiện. Nội dung các tiêu chí về phục hồi chức năng trong Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia y tế xã được cộng đồng, xã hội quan tâm đã góp phần và mang lại hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, công tác phục hồi chức năng nói riêng của tỉnh. Bệnh viện đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới cán bộ làm công tác phục hồi chức năng từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, phường và thôn bản tại địa phương.

Tuy nhiên, phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng là lĩnh vực mới đối với cán bộ y tế cơ sở, công tác phục hồi chức năng chưa được xã hội hóa cao, mạng lưới cán bộ làm công tác phục hồi chức năng tại cộng đồng (y tế xã) phải kiêm nhiệm nhiều việc; cán bộ phụ trách chương trình thay đổi liên tục nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc.

Đồng thời, công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức tại các trạm y tế xã. Bởi lẽ, tiêu chí đánh giá điểm cuối năm về phục hồi chức năng rất thấp (1 điểm) trong khi đó việc hướng dẫn tập luyện tại cộng đồng mất rất nhiều thời gian nhưng không có kinh phí hỗ trợ của chương trình này đối với y tế thôn bản. Bên cạnh đó, hiện thiếu nguồn kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện còn thiếu nhiều, không có nhân lực chuyên trách phụ trách công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng.

- Để chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng tiếp tục nhân rộng trong tương lai, Bệnh viện sẽ triển khai các biện pháp gì, thưa ông?

- Để chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng được nhân rộng trong tương lai, phía bệnh viện sẽ tiếp tục làm tốt công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, trợ giúp cho người khuyết tật tại cộng đồng; tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đặc biệt là tuyến cơ sở; nâng cao năng lực chuyên môn, tư vấn, hướng dẫn phục hồi chức năng cho cán bộ y tế… Song song đó, bệnh viện sẽ tiếp tục gắn các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia nông thôn mới của UBND tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/day-manh-cong-tac-phuc-hoi-chuc-nang-dua-vao-cong-dong-i311808/