Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người

Thảo luận tại phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị cần coi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Một số đại biểu cho rằng, tội phạm mua bán người được nhận định là loại tội phạm ẩn, ngay từ khâu phát hiện, tố giác đã rất khó khăn; chứng cứ ít, điều tra xác minh không dễ dàng. Bên cạnh đó, đối tượng phạm tội là lưu manh chyên nghiệp.

Một số người tự bán mình hoặc là nạn nhân lấy chồng nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác, kể cả là người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới để tham gia hoạt động phạm tội; nhiều vụ án, đối tượng và nạn nhân đã có mối quan hệ nhất định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Do đó việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ, hiện nay Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người’ thuộc Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì. Nhưng trên thực tế, theo chức năng nhiệm vụ, thì hầu hết các Bộ, ngành và địa phương đều thực hiện các hoạt động tuyên truyền phòng chống mua bán người.

Tuy nhiên do điều kiện tự nhiên, kinh tế, nhận thức, tiếng nói và chữ viết của người dân mỗi vùng miền còn khác nhau, do đó hiệu quả tuyên truyền chưa thật sự cao. Chủ yếu là tuyên truyền lồng ghép với một số hoạt động khác nên hiệu quả mới chỉ đánh giá được ở số lượng kỳ cuộc, tin bài tuyên truyền, ước lượng người tham dự, chưa đánh giá được hiệu quả thực tế tiếp nhận của người dân, nhất là đối với nhóm người dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao bị mua bán.

Tham gia giải trình thêm, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp với điều kiện, tình hình của từng địa phương, từng vùng miền; chủ động phối hợp với các ngành chức năng truyền thông về phòng chống mua bán người cho các đối tượng khác nhau.

Qua 5 năm, Trung ương Hội cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ và Ban chỉ đạo 138 của 16 tỉnh đã tổ chức hơn 40 chiến dịch truyền thông cộng đồng. Trung ương Hội đã phối hợp với nước bạn Lào tổ chức hai chiến dịch truyền thông lớn tại điểm biên giới với sự tham gia của 1000 người/cuộc tại của khẩu Lao Bảo - Quảng Trị và tỉnh bạn Lào giáp cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh. Đối với nước bạn Campuchia, Trung ương Hội đã tổ chức một chiến dịch tại cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh.

Đánh giá về công tác tuyên truyền trong những năm vừa qua, các đại biểu chỉ ra rằng, công tác tuyên truyền vẫn còn dàn trải, thiếu tài liệu truyền thông chung, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở cơ sở chưa được chú trọng.

Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi và phong tục tập quán nên chưa phát huy được hiệu quả của công tác này, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Một số nơi, người dân không biết chữ, tiếng phổ thông chưa nghe rõ; hơn nữa nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn, nhiều trẻ em trở thành mẹ khi vẫn còn là trẻ em, bạo lực gia đình khiến phụ nữ, trẻ em rời bỏ gia đình đi tìm việc có thu nhập cao hoặc muốn sang nước ngoài lấy chồng để thay đổi cuộc sống.

Do đó, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thời gian tới, một số ý kiến đề nghị, cần biên soạn tài liệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ thông tin, chuyển tải đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và được phát tới đúng đối tượng, chi hội phụ nữ trong cả nước.

Đồng thời, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cần phải đảm bảo để đáp ứng yêu cầu triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, cấp phát tài liệu rộng rãi trong nhân dân. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ ngành chức năng và các bộ, ngành có liên quan để công tác tuyên truyền thực sự đi vào thực chất.

Thu Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-phong-chong-mua-ban-nguoi-79104.html