Đẩy mạnh đàm phán các FTA mới, giải pháp quan trọng trong hoạt động xuất khẩu 2023

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6% và tiếp tục duy trì xuất siêu, việc triển khai thực hiện tốt cam kết FTA gắn với đẩy mạnh đàm phán các FTA mới, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp cần được thực hiện.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ. Mặc dù vậy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, Hiệp định thương mại Việt Nam - Chi lê, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)... tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Vì vậy, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ khẳng định, phát huy tốt các lợi thế từ các FTA đã có này tiếp tục là ưu tiên trong năm 2023: “Thời gian tới, phải theo dõi sát tình hình thị trường, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp phát triển thị trường truyền thống, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng mới. Do đó, nhu cầu nắm bắt thông tin và phổ biến thông tin cho doanh nghiệp là ưu tiên, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA”.

Rõ ràng, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống. Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan… chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Những thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu hay Mỹ La Tinh đang có tốc độ tăng trường cao - tuy tỷ trọng còn nhỏ, nhưng còn nhiều dư địa khai thác đồng thời cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đáng ghi nhận trong những năm trở lại đây.

(Ảnh minh họa - KT)

(Ảnh minh họa - KT)

Ông Tạ Hoàng Linh đơn cử như tăng trưởng xuất khẩu sang Ba Lan (11%) Séc (14,6%) Đan Mạch (40%) Rumani (tăng 52,6%) Slovenia (14,1%)… Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Đồng thời cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Việc thực thi các FTA đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước đối tác FTA của Việt Nam, cụ thể: Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp định CPTPP tăng trên 30% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu và Vương Quốc Anh tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với Hiệp định RCEP, lợi ích từ Hiệp định này được đánh giá là sẽ đến trong dài hạn từ việc thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hóa Việt Nam (do RCEP là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số cho đến nay, bao gồm các nguồn cung nguyên liệu đầu vào lớn nhất thế giới, và tạo điều kiện phát triển các chuỗi cung ứng khu vực mới, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại)… Vì vậy, đẩy mạnh đàm phán các FTA mới, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết: “Việc chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua là đàm phán các hiệp định thì cân nhắc để triển khai tích cực ngay từ đầu năm, đặc biệt chú trọng một số thị trường mà từ trước đến nay chúng ta chưa có khả năng thâm nhập sâu và mạnh thị trường này. Chúng tôi cũng đã thúc đẩy để tiến tới gần hơn với quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Israel cũng như tạo một bước để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ UAE”.

Từ thực tế kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á - châu Phi đạt mức 500 tỷ USD và chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường thế giới, bà Lê Hồng Anh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, để giữ vững được xuất khẩu như đang có thì bên cạnh yếu tố chất lượng hàng hóa cần phải phải nắm vững và cập nhật chính sách nhập khẩu của các thị trường của nước sở tại.

Trong đó, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Cùng với đó là thị trường châu Phi với thị phần nhập khẩu 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, đặc biệt là tập trung tổng kết kinh nghiệm các nước tận dụng các FTA để đưa ra kiến nghị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam. Dự kiến FTA với Israel được ký kết trong năm nay thì chúng tôi sẽ có kế hoạch thực thi hiệu quả và phối hợp với các đơn vị, cơ quan khởi động đàm phán FTA với UAE để mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng” - bà Lê Hồng Anh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi nói.

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2% và tỷ trọng mà chúng ta khai thác được thông qua việc hưởng thuế và xuất xứ hàng hóa cũng mới được khoảng 33,61% trong số 2% này. Điều đó cho thấy dung lượng của các thị trường mà Việt Nam có FTA là hết sức tiềm tàng. Để tận dụng được thì điều quan trọng vẫn là làm sao để giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hàm lượng giá trị Việt Nam trong sản phẩm hàng hóa.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục XNK cũng nhấn mạnh tới việc giảm chi phí logistics - mà Việt Nam còn rất nhiều dư địa - như một lợi thế cạnh tranh trong hoạt động XNK cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ.

Cũng theo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế của ngành Công Thương thì việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA phải bảo đảm sự phát triển bền vững. Theo đó, cần tranh thủ quan hệ trong các FTA để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm… và phải gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/day-manh-dam-phan-cac-fta-moi-giai-phap-quan-trong-trong-hoat-dong-xuat-khau-2023-post1003428.vov