Đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cao

Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo và số lao động tạo việc làm mới tăng đều qua các năm. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Đặc biệt, công tác chăm lo phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ( 04 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp,18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó 8/8 huyện, thành phố có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc, 19 cơ sở công lập, 08 cơ sở tư thục).

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đổi mới toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09 - NQ/ĐH ngày 15/10/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra một trong ba đột phá phát triển là: Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến; Chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống nhân dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Vì vậy, Sở đang tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng "Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển Kinh tế – Xã hội” của tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

Đề án hướng tới việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt, liên thông, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển bền vững, bao trùm.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo nguồn nhân lực của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập.

Ưu tiên phát triển các ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm; thiết bị điện, điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học…

Đối với ngành cơ khí: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí phục vụ công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp. Ngành điện tử, Công nghệ thông tin: Thu hút các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử chất lượng cao để tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế. Nông nghiệp hữu cơ, Chế biến thực phẩm, Du lịch nông nghiệp nông thôn, Công nghệ chế biến, Công nghiệp y dược, Công nghiệp sạch, Năng lượng tái tạo, Logistic, Du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng ngập mặn ven biển…

Theo báo cáo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 18.990 lao động có việc làm tăng thêm (đạt 57,55% kế hoạch năm, bằng 119,4% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong đó, tạo việc làm tại địa phương cho 13.200 lao động, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 4.070 lao động, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.720 lao động. Hướng dẫn 21 doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động; 16 doanh nghiệp thực hiện các quy định về chính sách tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

6 tháng đầu năm 2022, đã có 10.505 người tham gia học nghề (đạt 29,09% kế hoạch năm, bằng 135% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó trình độ cao đẳng nghề 635 người, trung cấp nghề 1.460 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 8.410 người.

KỸ NĂNG TỰ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Trong thời gian qua, giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thái Bình đã chú trọng đào tạo kỹ năng. Bởi kỹ năng lao động là giá trị cốt lõi. Muốn lao động có kỹ năng, kỹ năng cao cần chú trọng cả trước, trong và sau đào tạo, cùng với rèn luyện trong lao động sản xuất và phải thực hiện thường xuyên, liên tục có kế hoạch cụ thể, bằng các hình thức đào tạo mở, linh hoạt, đa dạng; bảo đảm minh bạch, dễ tiếp cận và phù hợp các đối tượng khác nhau, nhất là phụ nữ, nhóm yếu thế và gắn với việc chuẩn hóa, công nhận trình độ kỹ năng, năng lực nghề nghiệp của người lao động.

Để góp phần đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng đào tạo tỉnh đã triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp trong đó chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhà giáo, cán bộ quản lý.

Do đó, trong các ngày 27-31/10/2022, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực mở lớp tập huấn bồi dưỡng “Phương pháp, kỹ năng tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

Lớp bồi dưỡng dành cho 60 lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý, nhà giáo của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Với định hướng trên, lớp bồi dưỡng tập trung vào các nội dung như Tổng quan về phát triển, quản lý chất lượng, tự đánh giá chất lượng Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới; Cách xác định thông tin, minh chứng; Xử lý, phân tích... Trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn có tham chiếu để tự đánh giá, tự soi về chất lượng đạt ở mức độ nào để có các giải pháp phù hợp phát huy, khắc phục tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người học.

Đặc biệt, việc các chuyên gia áp dụng các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực thực hiện, chú trọng tương tác, trải nghiệm nên lớp bồi dưỡng đi sát mục tiêu, nội dung, hấp dẫn, hiệu quả và thực sự cần thiết.

Đỗ Như -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/day-manh-dao-tao-lao-dong-co-ky-nang-nghe-dap-ung-nhu-cau-nhan-luc-cao.htm