Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành vật liệu

Là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng nhưng nhân sự của ngành vật liệu còn thiếu và yếu

Sáng 10-4, tại TP HCM, diễn ra hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng ĐHQG TP HCM tổ chức.

Phát triển tương xứng với tiềm năng

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết trên cơ sở nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022. Trong đó, một nội dung rất quan trọng của đề án là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngành công nghiệp vật liệu.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng không quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Do đó, để ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, nhiệm vụ then chốt là phải đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu và yếu như hiện nay.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sản lượng, chủng loại và chất lượng vật liệu tiêu thụ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế và trình độ công nghệ của quốc gia. Vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y học, quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin... "Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất ngày càng tăng trong khi năng lực sản xuất vật liệu còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn hạn chế. Việc phát triển nguồn nhân lực ngành vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò quyết định đến sự thành công của phát triển ngành" - Bộ trưởng nhận định.

Các đại biểu nêu ý kiến, thảo luận tại hội thaỏẢnh:TẤN THẠNH

Kinh nghiệm từ TP HCM

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhìn nhận sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 cho thấy công nghiệp vật liệu có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước.

Ông Thành cho rằng thời gian qua, nhà nước đã có sự quan tâm với ngành công nghiệp hỗ trợ. Nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định một số chính sách ưu đãi thuế, phí, tín dụng. Luật Đầu tư 2020 cũng đưa ra các quy định ưu đãi đầu tư đối với các ngành sản xuất vật liệu. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu bởi nhu cầu vốn cho đầu tư nghiên cứu, phát triển vật liệu là rất lớn. Đồng thời, cần chính sách đào tạo nguồn cử nhân ĐH, sau ĐH chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để có thể khai thác được thế mạnh, tiềm năng còn bỏ sót.

Với riêng TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết TP đã xác định một số ngành công nghiệp trọng điểm để ưu tiên phát triển, đặc biệt tập trung vào phát triển các ngành công nghệ cao có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao, trong đó có công nghiệp vật liệu.

Nêu chính sách cụ thể, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh kích cầu đầu tư đối với ngành công nghiệp trọng điểm, có yếu tố công nghệ cao được coi là "đặc sản" của TP. Cụ thể, những dự án tốt trong lĩnh vực này sẽ được TP cho vay kích cầu, toàn bộ lãi suất do TP chi trả. Thời gian vay tối đa 7 năm, trong trường hợp đặc biệt có thể đến 10 năm. "Số tiền TP hỗ trợ cho vay không nhỏ. Trong 2 năm trở lại đây, giá trị của những dự án được vay khoảng hơn 1.100 tỉ đồng. Từ những dự án này đã ra được sản phẩm, tạo ra được những doanh nghiệp có tầm thế giới" - ông Dương Anh Đức thông tin.

Ngoài ra, TP HCM cũng quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện qua chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của 8 nhóm ngành nghề. "TP luôn nhận thức được để duy trì tốc độ phát triển kinh tế bền vững thì phải dựa trên sự phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Vì vậy, TP luôn luôn mở cửa, mong muốn tiếp nhận những ý tưởng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp vật liệu" - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu.

Phương Nhung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/day-manh-dao-tao-nhan-luc-nganh-vat-lieu-20210410212509362.htm