Đẩy mạnh đầu tư công

Tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ khó đạt được mục tiêu đã đề ra là 6,8%, do tác động của dịch bệnh Covid-19. Để đạt được kế hoạch GDP năm 2020, Chính phủ sẽ cần phải đẩy mạnh hơn các yếu tố hỗ trợ, trong đó nổi bật nhất là giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án lớn để có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh những lĩnh vực đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, thì việc kích thích tài khóa thông qua đẩy mạnh đầu tư công là cần thiết để phục hồi nền kinh tế sau dịch, hỗ trợ tăng trưởng. Nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả sẽ có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến phát triển kinh tế. Nguồn vốn đầu tư công chiếm 10,7% tổng giá trị GDP, chiếm 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Ý nghĩa hơn là vốn đầu tư công để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế. Các dự án hạ tầng được hoàn thiện có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, tình trạng chậm giải ngân gần 10 năm qua đã tạo ra tình trạng “nút thắt cổ chai” đối với nền kinh tế.

Xác định đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là một trong bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3-2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội...

Tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án trọng điểm

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020... và không được để chậm trễ như vừa qua.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy đối với các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Ảnh | VĂN THẾ

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Ảnh | VĂN THẾ

Được biết, các dự án PPP quy mô lớn đang gặp trở ngại là khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để bảo đảm phương án tài chính bị hạn chế, bởi ngân hàng trong nước gần chạm trần dư nợ cho vay trung, dài hạn. Trong khi đó, một số dự án PPP đang ở thời điểm giao thời kế hoạch đầu tư công 5 năm cũ sang 5 năm mới, nên có thể tính tới chuyển đổi đầu tư từ PPP sang đầu tư công thuần túy, thu xếp vốn trong kế hoạch 5 năm tới để bảo đảm thực hiện được dự án. Ngoài chuyển đổi hình thức, cũng xem xét trình cấp có thẩm quyền về cơ chế thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, dự án đầu tư xong thì đấu thầu khai thác, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các dự án tiếp theo.

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân còn bao gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như quyết định đầu tư phải trước 31-10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn hai năm, bãi bỏ quy định Thường trực HĐND được ủy quyền... cần được tháo gỡ.

Một phần nguyên nhân lớn nữa đến từ công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, quy trình giao kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Riêng về nguồn vốn ODA, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục pháp lý, phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân. Một số khác không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Với chỉ đạo quyết liệt tại Chỉ thị số 11/CT-TTg cùng nhiều quy định mới của Luật Đầu tư công sửa đổi, giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm nay được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện so với năm 2019. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý năm 2020 phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa tập trung giải ngân thực hiện kế hoạch năm 2020, vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, sẽ làm phân tán sự tập trung chỉ đạo cũng như nguồn lực thực hiện. Sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu là rất quan trọng để thúc đẩy giải ngân. Nhiều công việc của dự án phải tiến hành song song, khẩn trương để khi dự án bắt đầu thực hiện có khối lượng là có thể giải ngân ngay.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân chín tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Có bảy bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 70%, trong đó bốn bộ, ngành và bốn địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 80%. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/kinh-te/item/43840202-day-manh-dau-tu-cong.html