Đẩy mạnh điều trị và chăm sóc bệnh lao ở trẻ em

Tại các nước có gánh nặng bệnh lao cao, trẻ em mắc lao chiếm 10-11% tổng số những trường hợp bệnh lao mới mắc hằng năm. Số trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh lao tăng chậm, khoảng 1.700 trường hợp mỗi năm, từ năm 2015 đến 2018.

Chung tay đẩy lùi bệnh lao ở trẻ em.

Chung tay đẩy lùi bệnh lao ở trẻ em.

Theo WHO, năm 2017 có một triệu trẻ em bị mắc lao, gần 650 trẻ em chết vì bệnh lao mỗi ngày, 80% trước khi đến sinh nhật lần thứ năm. Trong năm 2017, 87% trường hợp mắc lao mới được phát hiện ở 30 quốc gia có gánh nặng cao, 2/3 trong số này đến từ các quốc gia thuộc khu vực Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. WHO cũng ước tính, có khoảng 9% các trường hợp mắc lao ở Việt Nam được tìm thấy ở trẻ em dưới 15 tuổi (khoảng 10.800 bệnh nhân) vào năm 2015.

Tại Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Giám đốc Chương trình chống Lao Quốc gia cho biết, bệnh lao ở trẻ em là một bệnh khó vì các triệu chứng lâm sàng ở trẻ em không rõ ràng, trẻ cũng chưa nhận thức được tình trạng bệnh lý của mình. Bên cạnh đó, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao ít. Ở thể lao gọi là lao sơ nhiễm tức là lao mới nhiễm vào, việc chẩn đoán cũng khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh lao ở trẻ em khó nhận biết bởi biểu hiện thường giống với các bệnh hô hấp thông thường khác với các biểu hiện ho sốt, về chiều sốt thất thường, ăn kém, ra mồ hôi trộm, gầy sút cân, không tăng cân.

Những bệnh nhi này khi đã được điều trị theo các biện pháp khác, thí dụ như điều trị không đáp ứng với kháng sinh, khỏi nhưng mà lại tái phát nhanh, hoặc là không khỏi thì có thể nghĩ đến đấy là triệu chứng của bệnh lao. Các thể lao thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số là lao sơ nhiễm và các thể lao sau sơ nhiễm thí dụ như là lao phổi, lao hạch, lao màng não, lao kê, …

Các ước tính mới nhất cho thấy 36% bệnh nhân lao bị mất tích, nghĩa là có khoảng 3,6 triệu bệnh nhân lao có thể không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Do đó, việc tìm kiếm và điều trị tất cả các trường hợp mắc lao bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên là ưu tiên hoạt động khẩn cấp, đặc biệt là ở các nước có gánh nặng bệnh lao cao. Điều này sẽ giúp các em tránh được những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, động kinh, teo cơ, bại liệt, gù vẹo cột sống…

ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã đào tạo hơn 300 nhân viên bệnh viện đa khoa tại chín tỉnh về nhi khoa, cũng như mở rộng can thiệp bệnh lao ở trẻ em dưới sự hợp tác của Bệnh viện Nhi Trung ương. Kế hoạch phòng chống lao ở trẻ em quốc gia 2015-2020 và sửa đổi mới hướng dẫn quản lý bệnh lao trẻ em quốc gia đã được cập nhật từ thực hiện trên toàn quốc từ giữa năm 2018.

Thành lập Đơn vị Lao trẻ em từ năm 2018, GS. TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin hiện nay, đơn vị Lao đang quản lý hơn 50 bệnh nhi và đã có những phương pháp điều trị sớm để tránh những biến chứng xảy ra đối với những bệnh nhi này. Ông đánh giá đây là một hướng tiếp cận toàn diện để giúp phát hiện sớm bệnh nhi lao trong cộng đồng và cùng có một phác đồ điều trị chuẩn ở các cơ sở.

Tại Việt Nam, hiện có 60% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa – nghĩa là dành hơn 20% thu nhập của gia đình cho việc điều trị. Khác với bệnh khác, điều trị lao cần thời gian dài, ít nhất là sáu tháng, thậm chí đến hai năm nếu là lao kháng thuốc, có những bệnh nhân không kiên trì, không tuân thủ điều trị nên dễ tái phát. Do vậy, nguy cơ lây bệnh sang những người khác rất cao.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/day-manh-dieu-tri-va-cham-soc-benh-lao-o-tre-em-post325234.info