Đẩy mạnh giảm nghèo khu vực miền núi

Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, các địa phương còn chú trọng nâng cao nhận thức người dân về thoát nghèo. Nhờ đó 5 năm qua, công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi đạt được nhiều kết quả khả quan.

Đồng bào ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) được hướng dẫn trồng lúa nước - Ảnh: MINH DUYÊN

Niềm vui từ những con số

Huyện Sông Hinh giảm hơn 2.980 lượt hộ nghèo; huyện Đồng Xuân đạt tỉ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm 5,33% và tỉ lệ này ở huyện Sơn Hòa là từ 3-3,15%/năm. Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cuối năm 2013, tổng số hộ nghèo toàn huyện trên 4.830 hộ, chiếm 41,87% tổng số hộ ở địa phương. Hiện địa phương có 1.846 hộ nghèo, chiếm 14,16%, đạt tỉ lệ giảm nghèo từ 4-5%/năm.

Công tác giảm nghèo trong giai đoạn này thực hiện theo chuẩn nghèo mới (Quyết định 59/2015/QĐ-TTg). Có được kết quả này là nhờ trong thời gian qua, huyện Sông Hinh đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để hộ nghèo được xóa nhà tạm, vay vốn ưu đãi và hỗ trợ sản xuất…, từng bước ổn định cuộc sống.

Số hộ nghèo DTTS huyện Đồng Xuân cũng giảm mạnh. Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Cách đây 5 năm, địa phương có 1.981 hộ DTTS nghèo thì nay chỉ còn 1.453 hộ. Nhiều xã nghèo ở nơi đặc biệt khó khăn như Phú Mỡ, Xuân Phước, Xuân Quang 2… đạt tỉ lệ giảm nghèo 5%/năm. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp trong hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao sản xuất cho vùng khó, từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS.

Thay đổi nhận thức

Theo ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), xã có 845 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và Bana. 5 năm qua, toàn xã giảm được hơn 200 hộ nghèo. Từ các mô hình sản xuất, các cây gống, con giống được hỗ trợ, người dân từ chỗ chỉ biết trồng lúa rẫy phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời thì nay đã biết trồng cây lúa nước, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tiên tiến. Chăn nuôi trước kia chỉ thả rông theo lối tự sinh tự diệt thì nay bà con đã biết làm chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, tăng giá trị kinh tế cho vật nuôi.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2014-2019 thực hiện chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, khiến công tác giảm nghèo ở vùng miền núi của tỉnh gặp khó khăn. Nhưng nhờ nỗ lực của chính quyền các cấp, sự vươn lên vượt qua khó khăn của người dân nên số hộ nghèo vùng miền núi đã giảm rõ rệt, tỉ lệ giảm nghèo đạt 4-5%/năm theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Hiện nay, xã Phú Mỡ đưa vào gieo cấy hơn 68ha lúa nước, tổng đàn gia súc tăng từ 893 con lên 1.214 con. Nhiều hộ không còn chăn nuôi manh mún mà tập trung nhân đàn để tăng gia sản xuất với nhiều mô hình gia trại bò từ 7-10 con, đàn heo từ 5-10 con và đàn gia cầm hàng chục con….

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Để đồng bào không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, huyện Sơn Hòa hạn chế việc “cho không biếu không” mà lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ vào xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân gồm các công trình nước sạch (20 công trình phục vụ hơn 8.000 hộ dân), bê tông hóa hơn 80km giao thông nông thôn… Địa phương hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, cho vay vốn ưu đãi để người dân cải tạo đất, mua giống và phương tiện phục vụ sản xuất, dạy nghề cho con em đồng bào DTTS…

Từ năm 2014 đến nay, 148 hộ được hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng để cải tạo gần 70ha đất thổ và 6,4ha ruộng lúa nước hai vụ; hơn 1.500 học viên DTTS được đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp các nghề như trồng nấm, dệt thổ cẩm, trồng cây ăn trái, gần 23.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS được vay hơn 500 tỉ đồng để tạo sinh kế. Đồng thời, huyện Sơn Hòa đẩy mạnh tuyên truyền, nêu gương những cá nhân là đồng bào DTTS nỗ lực vươn lên thoát nghèo để các hộ khác học tập cách làm, học tập tư duy tự lực cánh sinh, xóa bỏ tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/224814/%C2%A0-day-manh-giam-ngheo-khu-vuc-mien-nui.html