Đẩy mạnh giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân

Chiều 22-9-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thực hiện Đề án 'Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2021' nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn và đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” (Đề án). Đề án được triển khai nhằm thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện (2017-2021), Đề án đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án. Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đã bước đầu triển khai việc tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người, tập huấn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa; xây dựng nhiều tài liệu tham khảo và chuyên khảo về quyền con người, phục vụ công tác giáo dục; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia của một số nước.

Thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện, Đề án góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người; nâng cao tri thức về quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, cũng như đội ngũ giáo viên, giảng viên và học viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam cũng như trong các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế; được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về nỗ lực và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy giáo dục quyền con người; góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định cho rằng, về cơ bản, các hoạt động của Đề án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh nghiêm trọng trong thời gian qua, nhưng nhìn chung các cơ quan/đơn vị tham gia Đề án đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Phát biểu chỉ đạo và tổng kết tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong triển khai thực hiện Đề án, kết quả tuy còn khiêm tốn, nhưng đây là cơ sở ban đầu quan trọng để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án là sự thể hiện sinh động đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay, Đảng ta coi trọng con người, lấy con người, quyền con người là trung tâm cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Đối với phương hướng thực hiện nhiệm vụ Đề án giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cần khắc phục các hạn chế, bất cập từ nguyên nhân chủ quan để đưa hoạt động của Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung được phê duyệt; phấn đấu thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra. Cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia Đề án và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng về giáo dục quyền con người ở Việt Nam, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

PV

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2021/15744/day-manh-giao-duc-quyen-con-nguoi-trong-he-thong-giao-duc.aspx