Đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục

Sáng 6/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2018 – 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều cán bộ các bộ ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người đó là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục thời gian qua là các sở GDĐT đã tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, gắn với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý.

Bộ GDĐT đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên.

Điều này bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu và tăng cường năng lực giáo viên của các địa phương và Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ để giảm đầu mối quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; đang hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập để hình thành được hệ thống cơ sở GDĐH công lập với số lượng, cơ cấu hợp lý, qua đó tăng hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng GDĐH.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn và thiếu trường, lớp mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; chưa bám sát các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự phát triển của một số cơ sở đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động.

Đối với GDĐH, năm học 2018 - 2019 đánh dấu những bước chuyển biến trong quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo. Quyền tự chủ cho các trường trong đào tạo, nhân sự và tài chính... được đẩy mạnh thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Sau thành công của 23 trường ĐH được tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ thí điểm mở rộng quyền tự chủ của 03 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo được chú trọng, năng lực tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của các trường đã được nâng lên. Bộ đã trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, tập trung vào các điều kiện và quy định tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH.

Cơ cấu nguồn nhân lực theo nhóm đối tượng: Từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên và nhân viên) giảm xuống, trong đó chú trọng hơn đến việc sử dụng công nghệ thông tin nhằm tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Hội nghị cũng cùng bàn về một số tồn tại một số hạn chế như:

Một số địa phương chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước các vấn đề giáo dục của địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời dẫn tới có tượng tiêu cực và mất dân chủ ở một số nhà trường.

Cơ chế chính sách về tự chủ đại học chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật và quy định của các cơ quan chủ quản. Cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình của đơn vị chưa thực sự hiệu quả.

Hệ thống văn bản khung đang sửa đổi, bổ sung nhiều như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công nên việc xây dựng Nghị định về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải thường xuyên cập nhật, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các văn bản mới.

Công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác sáp nhập trường, lớp chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường, lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hoàng Thanh

Từ khóa: tự chủ tự chủ đại học cơ chế tự chủ đề án sắp xếp cơ chế tự chủ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/day-manh-giao-quyen-tu-chu-doi-voi-cac-co-so-giao-duc-post308557.info