Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em được Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ thực hiện bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thông qua các chương trình TGPL, trẻ em được tiếp cận các chính sách pháp luật và dịch vụ pháp lý, từ đó có thể chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại.

Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho trẻ em bằng nhiều hình thức. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại cần đến Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ để được TGPL kịp thời.

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ đã thụ lý, thực hiện 1.318 vụ việc TGPL, trong đó có 253 vụ việc TGPL cho trẻ em. Ðể tránh bỏ lọt đối tượng và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, Trung tâm đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu, gửi công văn yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Hoạt động TGPL cho người được TGPL nói chung và trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại nói riêng, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em vẫn còn gặp những vướng mắc: một số trường hợp gia đình của trẻ em bị xâm hại không tố giác hoặc thời gian tố giác quá trễ, do lo sợ ảnh hưởng đến danh dự và sự phát triển tâm sinh lý, cuộc sống của trẻ sau này, nên các trợ giúp viên pháp lý gặp khó khi tiếp cận, dẫn đến việc TGPL chưa kịp thời. Ông Lê Văn Hận, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, chia sẻ: “Trẻ em bị xâm hại thường gặp tổn thương về tinh thần, xấu hổ, tự ti và mặc cảm với mọi người xung quanh hoặc ở độ tuổi quá nhỏ (nhiều trường hợp trẻ chỉ mới 5 tuổi) nên rất khó cung cấp thông tin liên quan đến tình tiết vụ án hoặc các em lo sợ nên che giấu cho đối tượng xâm hại, gây khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin, lấy lời khai”.

Ðể thực hiện tốt hơn nữa công tác TGPL cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung phong phú, hình thức phù hợp. Trong đó, tập trung vào các vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, nhất là những trường hợp có trẻ em bị xâm hại, biết và tìm đến Trung tâm để được TGPL kịp thời. Ðồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội,…) để phát hiện, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Ông Lê Văn Hận cho biết: "Trung tâm thiết lập mạng lưới tại cơ sở, các thiết chế có thể giúp người dân tiếp cận TGPL: UBND cấp xã; công chức tư pháp, hộ tịch; tổ hòa giải; người có uy tín; cán bộ phụ nữ; công an xã; hội nông dân; hợp tác xã, các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở để sớm phát hiện và thực hiện TGPL kịp thời cho trẻ em bị xâm hại. Ðẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện các kỹ năng TGPL đặc biệt là kỹ năng TGPL cho trẻ em".

Quyền của trẻ em được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật. Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi những nguyên nhân khách quan từ xã hội mang lại. Do đó, để giảm thiểu tối đa những vụ việc trẻ em bị xâm hại hay các vụ việc trẻ em có hành vi vi phạm, ngoài công tác tuyên truyền, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giới, về tình dục, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/day-manh-hoat-dong-tro-giup-phap-ly-cho-tre-em-a149018.html