Đẩy mạnh khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng hóa

Nhiều năm nay, ASEAN luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam và Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, hai thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh và nước ta.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Phạm Thiết Hòa cho biết, năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt gần 49,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước ta. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang ASEAN đạt 21,51 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm 2016 và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 22,7 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Các số liệu đó cho thấy, ASEAN hiện là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU và Trung Quốc. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang ASEAN là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt may; dầu thô, xăng dầu… Sau gần ba năm thành lập, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được kỳ vọng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội làm ăn thuận lợi cho DN Việt Nam. So với các hiệp định thương mại khác, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất; đến hết năm nay, Việt Nam sẽ hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế.

Sang năm 2019, DN Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN. DN nước ta cũng sẽ nhận được ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế suất giảm, nguồn hàng sẽ dồi dào và chất lượng hơn. Đối với Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và nước này trong năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt đến 35,5 tỷ USD, tăng đến 61,5% so với năm 2016. Trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 38,1 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước ta và mức tăng trưởng của thị trường này là cao nhất. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng như điện thoại và linh kiện, gạo, rau-củ-quả, cao-su thiên nhiên, dầu thô, xi-măng, clin-ke, thủy - hải sản, hạt điều, hạt tiêu, cà-phê... Dự báo trong 15 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu khối lượng hàng hóa và dịch vụ với tổng giá trị khoảng 30 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ nới lỏng các điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng hơn.

Hướng đến thị trường các nước Hồi giáo

Theo Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh Ngô Tuấn, để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, các DN Việt Nam cần tăng cường công tác quảng bá và ma-két-tinh, tìm kiếm đối tác hợp tác chiến lược ở Trung Quốc; tận dụng nhiều lợi thế của DN Trung Quốc để nâng cao thị phần, sản lượng, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để bảo đảm ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm… Đối với khu vực ASEAN, sau gần ba năm AEC ra đời, lượng hàng hóa từ các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái-lan. Dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam nhưng đến nay, nước ta vẫn đang nhập siêu từ ASEAN. Với khoảng 660 triệu dân và GDP năm 2017 đạt gần 2.800 tỷ USD (là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, thứ năm thế giới), ASEAN là thị trường xuất khẩu có tiềm năng to lớn của Việt Nam. Với gần 50% dân số là người theo đạo Hồi, ASEAN là nơi ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) phát triển mạnh, nhất là thực phẩm Halal. Hồi giáo là tôn giáo chính của Bru-nây (khoảng 75% dân số theo đạo Hồi), In-đô-nê-xi-a (gần 90% dân số, là nước có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới), Ma-lai-xi-a (gần 66% dân số).

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện Văn phòng chứng nhận Halal tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường các nước Hồi giáo ở khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung rất lớn, người Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm của Việt Nam (nông sản và thủy sản); sẵn sàng chi trả chi phí cao để mua các sản phẩm và dịch vụ đạt chuẩn Halal; các thị trường này lại không có nhiều rào cản về kỹ thuật và thuế quan…

Tuy nhiên, để tiếp cận được các thị trường Hồi giáo, DN cần hiểu rõ tập quán và văn hóa của người theo đạo Hồi để cung ứng các sản phẩm phù hợp. Trong đó, sản phẩm phải không có thành phần thịt heo, chó và các loại động vật bị cấm khác; không chứa các loại chất cấm theo tiêu chuẩn Hồi giáo; trên bao bì sản phẩm không được quảng cáo các hình ảnh nhạy cảm; bao bì phải có nhãn bằng ngôn ngữ A-rập... Do vậy, để có thể đáp ứng được những đơn hàng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, DN Việt Nam cần chủ động xây dựng nhà máy và quy trình công nghệ sản xuất đạt chuẩn Halal, làm giấy chứng nhận Halal trước.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38605002-day-manh-khai-thac-tiem-nang-xuat-khau-hang-hoa.html