Đẩy mạnh Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng: 'Kích' tư duy sáng tạo của giáo viên

Việc trang bị cho giáo viên kỹ năng thực hiện các sản phẩm Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình đổi mới đi vào thực chất, thuyết phục, không mang tính hình thức.

Nâng cao chất lượng giáo dục từ phía giáo viên

Theo TS. Nguyễn Ngọc Ân (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam), trong nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mà Việt Nam đang thực hiện, có những giải pháp thúc đẩy từ phía giáo viên. Những năm gần đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khuyến khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên thực hiện liên tục các tác động để cải thiện chất lượng công việc; tiến tới đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục từng trường, chất lượng giáo dục mỗi địa phương vùng miền để thông qua đó đẩy mạnh chất lượng giáo dục quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và trên thế giới.

Một phong trào đã được phát động trong toàn ngành giáo dục với tên gọi “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học”. Trong đó việc trang bị cho giáo viên kỹ năng thực hiện các sản phẩm Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh được coi là giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình đổi mới đi vào thực chất, thuyết phục, không mang tính hình thức.

Những năm qua, các trường học ở Việt Nam đã thay đổi cách dạy học, hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức tạo ra các sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tế cuộc sống.

Những năm qua, các trường học ở Việt Nam đã thay đổi cách dạy học, hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức tạo ra các sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tế cuộc sống.

“Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng là việc thực hiện một tác động hoặc một can thiệp sư phạm lên đối tượng, sau đó đánh giá ảnh hưởng của nó. Tác động/can thiệp đó có thể là sử dụng phương pháp giảng dạy, chương trình, phương pháp quản lý điều hành, hoặc là việc thực hiện một chính sách mới... Đây là một giải pháp nhằm giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam thay đổi, khắc phục những hạn chế đang tồn tại. Đồng thời, thông qua các giải pháp này, giáo viên và cán bộ quản lý sẽ được nâng cao về năng lực chuyên môn, có cơ hội để chia sẻ, học tập những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt để áp dụng vào thực tế, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục” - TS. Nguyễn Ngọc Ân khẳng định.

Trên thực tế, những năm qua, các trường học của Việt Nam đã thay đổi cách dạy học mang tính hàn lâm, lý thuyết bằng một số cách thức mới như giáo dục STEM, LAMAP… hướng đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức tạo ra các sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề từ thực tế cuộc sống. Cùng với đó, giáo viên cũng áp dụng Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào giải quyết các tình huống dạy học, giáo dục học sinh nhằm tạo ra các giải pháp mới, cách làm mới, cải thiện nâng cao chất lượng công việc.

Bắt đầu từ việc thành lập các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, giáo viên tạo thành các nhóm nhỏ hỗ trợ nhau tiếp cận những cách làm mới, huấn luyện các kỹ năng và hỗ trợ giải quyết những khó khăn, những tình huống giáo dục xuất hiện trong quá trình tiếp cận đổi mới. Khi đối mặt với những thách thức, giáo viên có kinh nghiệm có nhiệm vụ chia sẻ, hỗ trợ những giáo viên khác. Những chia sẻ này được thực hiện trên nhiều phương diện khác nhau: Có thể là kiến thức chuyên môn, có thể là việc ứng dụng ICT, có thể là kinh nghiệm về cách xử lý tình huống sư phạm hoặc các mối quan hệ xã hội để tạo hiệu quả công việc.

Cũng qua các nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” này, giáo viên không phải mất công kiếm tìm các giải pháp giáo dục mà có thể sử dụng luôn những giải pháp mà giáo viên trong nhóm đã sáng tạo ra hoặc đã kiếm tìm và triển khai hiệu quả. Việc duy trì và tổ chức tốt các nhóm “ Nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp cho một trường đại học thuộc khu vực miền núi khó khăn của Việt Nam (Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên) từ một trường có thứ hạng không cao, đến nay luôn ở vị trí tốp đầu trong các trường đại học của Việt Nam về các công trình công bố quốc tế.

Nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, hiện nay, việc thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được hưởng ứng mạnh mẽ từ cán bộ quản lý đến giáo viên các nhà trường. Vì đây là những thử nghiệm và vận dụng hàng loạt các giải pháp mang tính thực tiễn, áp dụng luôn tại cơ sở, giải quyết những vấn đề nảy sinh hàng ngày nên bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, việc tìm kiếm, đề xuất giải pháp mới cũng được giáo viên chú tâm thực hiện một cách trách nhiệm.

Chẳng hạn như: Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng khi triển khai ở những vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số sẽ giúp cho nhà trường đảm bảo sĩ số lớp học; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng khi triển khai ở những trường vùng đô thị lớn sẽ tạo dựng môi trường giáo dục chất lượng cao; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cũng giúp cho học sinh nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng thực hiện các hoạt động xã hội; nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng tạo môi trường cho giáo viên tương tác nhiều hơn, tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiêm trong trường, trong phạm vi khu vực, vùng miền… thậm chí những trao đổi trong phạm vi khu vực và quốc tế.

Việc nghiên cứu và đưa ra những cách làm tốt đã từng được giáo viên Việt Nam thực hiện như một yêu cầu bắt buộc và gọi là “Sáng kiến kinh nghiệm”, tuy nhiên tính ứng dụng không cao. Để khắc phục tình trạng này, các trường học tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng trong suốt quá trình lao động nghề nghiệp, trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Theo đó, các giáo viên luôn ở trong trạng thái suy nghĩ về thực trạng chưa tốt, đưa ra giải pháp để cải thiện thực trạng đó, thử nghiệm, đưa ra kết quả và áp dụng vào thực tiễn.

Kết thúc một Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng này là sự khởi đầu một Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng mới. Quy trình này làm cho giáo viên không bao giờ thỏa mãn với kết quả mình đã đạt được mà luôn phải phấn đấu. Các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được tiến hành với thời gian không dài trong điều kiện phù hợp với giáo viên, học sinh và nhà trường. Kết quả được đo đạc, đánh giá khách quan, được lượng hóa cụ thể và được chia sẻ trong các điều kiện giáo dục tương đồng. Vì vậy, Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng không làm khó giáo viên mà là một công cụ hữu ích, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh, quản lý nhà trường theo xu hướng hiện đại.

Kết quả thực hiện các Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được đánh giá tốt và giáo viên tự tin với các kết quả đổi mới của mình vì được thực hiện với chuẩn mực quốc tế. Một số kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thành công và được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao như: Nâng cao kỹ năng kể chuyện cho học sinh thông qua việc sử dụng phương pháp sắm vai trong dạy học phân môn Kể chuyện lớp 3 trường Tiểu học Ngọc Xuân (tỉnh Cao Bằng); nâng cao kết quả bài tập toán cho học sinh lớp 5 trường tiểu học Chiềng Mung (huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La) thông qua việc tổ chức học theo nhóm ở nhà; tác động của việc kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể với lời nói, tranh ảnh để giải nghĩa từ ngữ trừu tượng trong dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 trường tiểu học Nậm Loong (tỉnh Lai Châu).

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ sự thay đổi lớn của người giáo viên, trong đó, yêu cầu hội nhập quốc tế có vai trò quan trọng. Cùng với việc trang bị công cụ làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp tác động tới giáo viên để họ thay đổi nhận thức và kỹ năng như: Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục học sinh; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo trình theo hướng phát triển năng lực người học; kiểm định, phân hạng, tăng cường tự chủ trong các nhà trường. Đặc biệt, đề án dạy học ngoại ngữ đến năm 2025 nhằm nâng cao năng lực của giáo viên ngoại ngữ, từ đó nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông đang được tiến hành trên quy mô lớn. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu hội nhập các nước trong khu vực và trên thế giới, thúc đẩy chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng toàn cầu hóa.

P.Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-nghien-cuu-khoa-hoc-su-pham-ung-dung-kich-tu-duy-sang-tao-cua-giao-vien-85441.html