Đẩy mạnh nghiên cứu mới ứng phó dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, các đơn vị khoa học và công nghệ (KH và CN) trong nước đã nhanh chóng vào cuộc, bước đầu đưa lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó đáng chú ý là việc nghiên cứu, sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2 của các nhà khoa học Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, giúp nước ta chủ động công cụ chẩn đoán bệnh.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vừa qua, các đơn vị khoa học và công nghệ (KH và CN) trong nước đã nhanh chóng vào cuộc, bước đầu đưa lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó đáng chú ý là việc nghiên cứu, sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2 của các nhà khoa học Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, giúp nước ta chủ động công cụ chẩn đoán bệnh.

Các ứng dụng về khai báo y tế được các công ty công nghệ xây dựng, phát triển chỉ trong vài ngày, giúp cơ quan quản lý nắm được số người nhập cảnh, xuất cảnh, quản lý các trường hợp nghi nhiễm và tuyên truyền thông tin dịch bệnh đến người dân nhanh chóng. Theo đánh giá của Bộ KH và CN, thành công này là nhờ sự tham vấn chính xác của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, sự đặt hàng kịp thời của nhà nước đối với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương giữa các đơn vị triển khai để có được nguồn lực tổng hợp cho nhiệm vụ cấp bách chống dịch.

Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, triển khai thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-3, Bộ KH và CN đã chủ động phối hợp, bàn thảo với các nhà khoa học để triển khai các hướng nghiên cứu mới. Các nhà khoa học lĩnh vực y tế dự phòng, điều trị cũng đã nhanh chóng vào cuộc, hiến kế và đề nghị các nhiệm vụ khoa học cần đáp ứng thực tế hơn, nhanh gọn hơn. Theo đó, cần thiết nhất lúc này là kit sàng lọc nhanh vi-rút SARS-CoV-2, bên cạnh bộ sinh phẩm chẩn đoán chúng ta đã có để ứng phó khi dịch bùng phát. Thực tế, phần lớn các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, và các trường hợp này rất cần được xét nghiệm sàng lọc. Nếu chủ động được kit sàng lọc nhanh sẽ triển khai xét nghiệm sàng lọc được rộng rãi tại cộng đồng, giảm áp lực và chi phí cách ly. Trên cơ sở xét nghiệm sàng lọc ban đầu, các trường hợp bệnh sẽ được chẩn đoán chính xác lại bằng bộ sinh phẩm chẩn đoán thực hiện trong phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, giới khoa học trong nước cũng cần vào cuộc ngay để khảo sát, đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp chế tạo rô-bốt dùng hỗ trợ bác sĩ trong quá trình khám, chữa bệnh trong điều kiện môi trường nguy hiểm và nhân lực có hạn. Rô-bốt có thể hỗ trợ các công việc như lau rửa, khử khuẩn buồng bệnh, đo nhiệt độ, đưa đồ ăn, thuốc cho người bệnh…

Cùng với hướng nghiên cứu vắc-xin bằng công nghệ protein mà Công ty Vabiotech đang triển khai, các nhà khoa học đề xuất hướng mới là nghiên cứu sản xuất huyết thanh chứa kháng thể đơn dòng để điều trị, nhất là cho những ca bệnh nặng, đối tượng dễ bị vi-rút tiến công. Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh thì đây là giải pháp quan trọng, và Việt Nam có nhiều khả năng phát triển vì đã tiếp cận, nghiên cứu công nghệ này để sản xuất các huyết thanh ứng dụng điều trị một số bệnh.

Như vậy, các nhu cầu cấp bách trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước đã được đề ra khá bài bản, khoa học, trên cơ sở cân nhắc các điều kiện và tính khả thi. Tuy nhiên, để triển khai nhanh các nhiệm vụ, các cơ quan quản lý cần rút gọn các thủ tục cấp phép phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và đơn vị triển khai. Chẳng hạn, gần đây Bộ KH và CN đã giao nhiệm vụ sản xuất kit sàng lọc nhanh cho hai đơn vị, nhưng kết quả nghiên cứu chưa được công bố. Bộ KH và CN cần sớm có sự đánh giá kết quả, thúc đẩy, hỗ trợ nghiên cứu, hoặc thậm chí có thể mở tiếp các nghiên cứu về chẩn đoán sàng lọc vì nhu cầu cấp thiết về kit sàng lọc nhanh. Hướng nghiên cứu sản xuất huyết thanh cũng cần được bắt tay ngay với sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ sở điều trị để có các mẫu bệnh phẩm nghiên cứu, nếu không thì khi dịch qua đi sẽ mất cơ hội nghiên cứu. Hay việc các nhà khoa học của Công ty Vabiotech đã phối hợp với các nhà khoa học ở Anh tạo chủng vi-rút thành công, cơ quan quản lý cần có thủ tục cấp phép nhanh nhất để vận chuyển chủng vi-rút về Việt Nam thực hiện đánh giá trên động vật và các bước tiếp theo. Vắc-xin cần được đầu tư dài hơi để đi đến cùng bởi Việt Nam là nước có kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, đồng thời là biện pháp phòng bệnh hiệu quả khi dịch bùng phát theo chu kỳ hằng năm.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43658002-day-manh-nghien-cuu-moi-ung-pho-dich-covid-19.html