ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN, PHÁT HUY TINH THẦN NĂNG ĐỘNG, SÁNG TẠO CỦA TP. HỒ CHÍ MINH

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới… là ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, chiều ngày 8/6.

Toàn cảnh Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, một số đại biểu đánh giá, các chính sách được đề xuất trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, tuy đã có sự kế thừa và phát triển hơn nhiều so với Nghị quyết số 54. Nhưng chính sách chưa thực sự mang tính đột phá, mạnh mẽ hay vượt trội về chính sách theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị.

Liên quan đến tổ chức chính quyền TP. Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, tại Điều 9 và 10 của dự thảo Nghị quyết đề xuất thí điểm thực hiện một số chính sách khá tích cực như việc quản lý liên thông đối với cán bộ, công chức xã, thị trấn tương tự như đã áp dụng đối với công chức phường theo Nghị quyết số 131 của Quốc hội; bổ sung một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân UBND thành phố Thủ Đức; phân quyền cao hơn một số nội dung cụ thể cho Hội đồng nhân dân UBND thành phố và UBND thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, những nội dung này còn khá lẻ tẻ, quá cụ thể và có những nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định.

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thay vì trình Quốc hội hay Chính phủ quy định hay cho phép thành lập từng cơ quan chuyên môn cụ thể như Ban an toàn thực phẩm, Ban đô thị thuộc Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc, hay tăng thêm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, tăng thêm số lượng cấp phó tại một số đơn vị hành chính cấp xã ngay.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác tổ chức bộ máy quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đại biểu đề nghị quy định ngay tại Nghị quyết này, Quốc hội phân quyền cho Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp thành phố và cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc. Phân quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt quá tổng biên chế đã được Hội đồng nhân dân quyết định

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phân tích, việc phân quyền cho Tp.Hồ Chí Minh tự quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ đáp ứng được ba yêu cầu: Tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý, giúp thành phố áp dụng các giải pháp mới, thử nghiệm các mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình yêu cầu quản lý tại mỗi thời kỳ. Việc phân quyền sẽ làm tăng khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, bởi khi các quyết định về tổ chức bộ máy, về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đưa ra ở cấp địa phương, thủ tục, trình tự sẽ được rút ngắn và đơn giản hóa hơn rất nhiều, tạo sự chủ động cho địa phương. Đồng thời tăng tính sáng tạo, linh hoạt trong việc tìm kiếm và áp dụng các giải pháp tổ chức quản lý phù hợp với tình hình đặc thù và nhu cầu của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy cũng như mức độ phản ứng kịp thời với những biến biến chuyển của tình hình.

Việc phân quyền sẽ giúp Tp.Hồ Chí Minh quản lý tốt hơn nguồn lực và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình trong giới hạn về tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tp.Hồ Chí Minh nên được giao quyền chủ động, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bố trí tại từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để bảo đảm đáp ứng tốt hơn các thách thức và cơ hội phát triển đang đặt ra, phù hợp với khả năng hiện có nguồn lực.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, vấn đề phân cấp, ủy quyền đã đề cập nhưng chưa rõ; cần phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ và Tp.Hồ Chí Minh; giữa TP. Hồ Chí Minh với các thành phố, quận, huyện trực thuộc không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức, mà còn trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn.

Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến vấn đề tăng cường phân cấp, ủy quyền giữa các cấp, từ Trung ương cho địa phương, từ cơ quan cấp trên cho cơ quan cấp dưới. Việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền.

Các cơ quan Trung ương có thời gian tập trung hoạch định chính sách vĩ mô; các cơ quan chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh được phân cấp nhiều hơn trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn; thực hiện phê duyệt, đánh giá, chấp thuận, cấp phép các thủ tục hành chính.

Việc phân cấp, ủy quyền hợp lý cũng là cơ sở để chính quyền địa phương trực tiếp giải quyết các công việc có tính đặc thù của địa phương, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn nhu cầu lợi ích của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.

Để việc phân cấp, ủy quyền đạt hiệu quả phải đảm bảo các nguyên tắc như: bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.

Phát huy vai trò gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác phân cấp với mục tiêu cải cách hành chính, nhất là giảm thủ tục hành chính, có phân công trách nhiệm rõ ràng của từng cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện công tác phân cấp và làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả công việc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực phải gắn liền với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành và phải hướng tới mục đích phát huy năng lực của các cấp chính quyền, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan cấp chính quyền, đồng thời phục vụ tốt nhất cho bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và cả nước.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo điều kiện cho Tp.Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho thành phố trong một số lĩnh vực như: quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật, quản lý ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành phố phát triển theo nguyên tắc chỉ phân cấp, ủy quyền một cấp. Đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế kiểm soát quyền lực thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Hoàn thiện về tổ chức bộ máy được chủ động trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan cho phù hợp với đặc điểm tình hình của đô thị, đặc biệt như tại Tp.Hồ Chí Minh, góp phần giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đại biểu đề xuất giao một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND Tp.Hồ Chí Minh để thực hiện như quyết định thành lập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở thống nhất đầu mối quản lý an toàn thực phẩm…

Đại biểu Đoàn Thị Lê An khẳng định, với những cơ chế, chính sách tăng cường phân cấp, ủy quyền sẽ là nguồn lực để Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục đáp ứng yêu cầu về phát triển hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vì cả nước. Đồng thời, kết quả thí điểm các nội dung phân cấp, ủy quyền cho Tp.Hồ Chí Minh thực hiện sẽ là cơ sở để xem xét, nhân rộng và đưa vào quy định pháp luật trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kỳ vọng những chính sách đặc thù này sẽ giúp Tp.Hồ Chí Minh đi trước về trước.

Góp ý về sự cần thiết đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kỳ vọng những chính sách đặc thù này sẽ giúp Tp.Hồ Chí Minh đi trước về trước, đảm bảo tính khả thi. Đại biểu đề nghị cần phân cấp quyền thật sự mạnh mẽ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giao quyền cho Tp.Hồ Chí Minh, có thể rút ngắn quy trình, thủ tục, rút ngắn quá trình chuẩn bị, thẩm định, thẩm tra phê duyệt trong quá trình áp dụng các thủ tục hành chính.

Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đề nghị, Tp.Hồ Chí Minh cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi về thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Ví dụ như việc giao đất, các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới, đặc biệt với những lĩnh vực như ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình...

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76787